(VTC News) - Hãng tin Chinanews nói tàu cá Trung Quốc trên đường ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam đánh bắt trái phép đã ‘chạm trán’ tàu cá Việt Nam.
Ông Trần Nhật Hải, thuyền trưởng thuyền tiếp tế Giang Hải số 1 được Chinanews trích lời cho hay, khoảng 17h ngày 7/5 vừa qua, trên đường tiến ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam đánh bắt, 32 tàu cá Trung Quốc đã gặp phải tàu cá Việt Nam.
Đội tàu cá Trung Quốc ra Trường Sa của Việt Nam đánh bắt trái phép |
“Có một tàu cá Việt Nam di chuyển cùng lộ trình của đội tàu cá chúng tôi, khi đó tàu cá chúng tôi đã phải nhường đường”, ông Hải nói.
“Một trong số tàu cá của chúng tôi là tàu Quỳnh Tam Á F8138 đã di chuyển cách tàu cá Việt Nam khá sát vài chục mét”.Tuy nhiên, hãng tin Trung Quốc không nói rõ thông tin cụ thể và số lượng tàu cá Việt Nam đánh bắt khi đó.
Ông Hải nói thêm, thời tiết trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khá đẹp và thuận lợi, dự kiến 6 đến 7 ngày nữa sẽ tới ngư trường Trường Sa của Việt Nam.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 9/5 nói 7 chiếc tàu cá trong đội tàu đánh bắt trái phép ở Trường Sa gặp sự cố tốc độ, lịch trình dự kiến sẽ phải kéo dài.
Theo đó, có 7 chiếc tàu trong đội tàu 32 chiếc không thể theo kịp tốc độ chung do làm bằng gỗ nên không chạy nhanh được.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở Trường Sa của Việt Năm năm 2012 |
Vì thế, lịch trình dự kiến 4 ngày từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến khu vực Trường Sa sẽ phải thay đổi thành 10 ngày. Khoảng cách từ Hải Nam đến khu vực Trường Sa là 900 hải lý.
Đội tàu đánh cá Đam Châu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) gồm 32 chiếc sáng ngày 6/5 xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản. Dự kiến chuyến đi sẽ kéo dài 40 ngày.
Ngày 9/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 6/5/2013, Trung Quốc cử đoàn 32 tàu cá đi đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:
"Chúng tôi rất quan tâm tới thông tin trên và sẽ theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vấn đề này.
"Mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan.
"Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam".
Đỗ Hường
Bình luận