• Zalo

Tất tật về người ghi bàn trên tài Messi

Thể thaoThứ Năm, 13/12/2012 09:39:00 +07:00Google News

Sau khi Leo Messi, ghi được 86 bàn thắng trong năm 2012 phá vỡ kỷ lục mọi thời đại của Gerd Muller, thì bỗng nhiên Godfrey Ucar Chitalu... xuất hiện.

Sau khi Leo Messi, ghi được 86 bàn thắng trong năm 2012 phá vỡ kỷ lục mọi thời đại của Gerd Muller, thì bỗng nhiên bên cạnh hai cái tên vừa nêu xuất hiện một cái tên thứ ba nghe khá lạ tai: Godfrey Ucar Chitalu.

Vậy Chitalu, ông là ai ? Hãy quay ngược thời gian về một ngày định mệnh của năm 1993.

Vào nửa đêm ngày 27/4/1993, động cơ bên cánh trái của chiếc máy bay Buffalo DHC-5D bắt đầu bùng cháy ở độ cao 500 mét trên bờ biển của Gabon. Trong chiếc phi cơ quân sự của chính phủ Zambia bắt đầu răng rắc vỡ có toàn bộ đội tuyển quốc gia của nước này đang trên đường tới Senegal để tham dự một trận đấu tại vòng loại của World Cup 94 tại Mỹ.

 Lịch sử có lãng quên Chitalu(trái)?

ĐTQG của Zambia vừa từ Islas Mauricio trở về sau trận đấu tại Cúp châu Phi. Trên đường đi tới Dakar, chiếc máy bay cần dừng chân kỹ thuật tại Brazzaville (Congo), Libreville (Gabon) và Abidjan (Bờ Biển Ngà) để vượt qua toàn bộ châu Phi.

Chiếc phi cơ này hình như bị ma ám. Cách đó 2 năm, khi đang bay trên bầu trời Congo, nó bị Lực lượng Không quân của nước này ép hạ cánh và toàn bộ các cầu thủ đi cùng đã bị bắt, nhưng sau đó được thả nhờ sự can thiệp từ phía ngoại giao.

Bây giờ, với động cơ trái đang cháy, viên phi công cố dùng động cơ còn lại ở bên phải để điều khiển và tìm cách hạ cánh nhưng bất thành. El Bufallo đã nổ tung và làm thiệt mạng ngay lập tức 18 cầu thủ, 2 HLV, 5 thành viên của Liên đoàn Bóng đá Zambia và 5 phi hành đoàn. Người duy nhất trong đoàn sống sót, nếu có thể nói vậy, là Kalusha Bwalya, ngôi sao của đội bóng. Vì đang chơi cho PSV Eindhoven, nên cầu thủ này từ Hà Lan trực tiếp đi Senegal.

Cả thế giới kinh hoàng


Tai nạn nói trên, một trong những thảm họa hàng không lớn nhất trong lịch sử của ngành thể thao, đã gây một chấn động sâu sắc trong làng bóng đá thế giới và đặc biệt trong 8,5 triệu dân của Zambia. Tất cả những người thiệt mang đều mang danh Chipolopolos, theo tiếng địa phương là “Những viên đạn đồng”, trong đó có Godfrey Ucar Chitalu, thần tượng của đất nước ở Trung Phi nói trên, lúc đó đang là HLV của ĐTQG.


Cho tới cuối tuần qua, cụ thể đến trước ngày 10/12 mới đây, cái tên Chitalu vẫn nằm trong quên lãng. Nhưng khi Leo Messi của Barca và Argentina ghi được 86 bàn thắng (nay đã là 88 sau cú đúp đêm qua trước Cordoba tại Cúp Nhà vua Tây Ban Nha) thì bỗng nhiên cái tên này lại nổi lên như cồn, đơn giản vì Chitalu là người đã ghi được 107 bàn thắng trong năm 1972.

Do kỷ lục này “không phải là chính thức”, theo sự thừa nhận của chính Liên đoàn Bóng đá Zambia, cũng như không được Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) công nhận, nên kỷ lục của Leo Messi vẫn còn nguyên giá trị và hoàn toàn xứng đáng. Mặc dù vậy, sự bàn luận ồn ào, nhất là trên các mạng xã hội trong những ngày qua, bắt buộc người ta phải nhớ đến nhân vật huyền thoại này của bóng đá châu Phi.

5 lần là cầu thủ của năm

Tuy không được biết đến ở phương Tây, Ucar Chitalu, chủ nhân của danh hiệu “Cầu thủ của năm” trong 5 lần (1968, 1970, 1972, 1978 và 1979 ), được coi là cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Zambia, cùng với Computer Chitalu và Kalusha Bwalya. Nhà sử học Jerry Muchimba, người đã nghiên cứu rất sâu về Ucar và kỷ lục 107 bàn thắng nói trên, đã chứng thực như vậy.

Chitalu sinh tại Luanshya, phía bắc thủ đô Lusaka, vào ngày 22/10/1947. Sau khi chơi ở các đội bóng nhỏ, ông về đầu quân cho Kitwe United năm 1965. Cùng đội bóng này, ông đã làm nên một kỷ lục tuyệt vời: ghi 81 bàn thắng tại giải quốc gia trong mùa bóng 1967-1968. Còn kỷ lục 107 mà chúng ta nói tới phải 4 năm sau mới diễn ra, lúc đó Chitalu đã đang chơi cho Kabwe Warriors.

Messi chưa phải là người xuất sắc nhất?

Chitalu chơi trận ra mắt cho Warriors ngày 23/1/1972 với cú đúp trong trận hòa Majantja ở cúp châu Phi. Từ thời điểm đó, ông "không thể ngừng" ghi bàn trong các trận đấu của mình. Đến cuối tháng 10, Chitalu đã ghi được 92 bàn riêng ở giải VĐQG Zambia, nhiều hơn 57 bàn so với chân sút xếp thứ hai đến từ đội Wanderers là Bernard Chanda.

Trong tháng 12 ở League Cup gặp Copperbelt XI, Chitalu đã lập một cú hat-trick để nâng tổng số bàn thắng trong năm của mình lên con số đáng kinh ngạc là 107. “Tôi đã ghi bàn nhờ vào sự hỗ trợ tuyệt đối từ các đồng đội của tôi”, Chitalu đã nói như vậy khi được hỏi về thành tích ghi bàn “có một, không hai”. Với thành tích củ mình, Chitalu nhận được một giải thưởng đặc biệt từ nhà tài trợ Rothmans là quả bóng màu vàng với con số 107 khắc trên đó.

Sau khi treo giày, Chitalu trở lại làm HLV cho Warriors Kabwe trong thập niên 80. Đến năm 1990, khi Warriors bị xuống hạng, Chitalu đã thuyết phục để không một cầu thủ nào rời đội. Ngay năm sau, họ trở lại giải hạng Nhất và ông được bầu chọn là HLV của năm.

Thành công đó mang lại cho Chitalu công việc HLV trưởng ĐT Zambia và ông tiếp tục ghi dấu ấn với 5 chiến thắng và 1 trận hòa trên hành trình tìm kiếm chiếc vé dự World Cup tại nước Mỹ. Đó là cho đến khi vụ tai nạn máy bay kinh hoàng xảy ra, đặt dấu chấm hết cho câu chuyện tuyệt vời về huyền thoại Chitalu và vinh quang cùng với “Chipolopolos”.

Theo Bongda

Bình luận
vtcnews.vn