Theo Tờ trình của Chính phủ tới Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật PCTN), công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Tuy nhiên tại phiên họp Quốc hội chiều nay (9/11), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc; vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Những nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên có thể kể đến như: quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập; việc xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản, thu nhập còn chưa hiệu quả...
Chính vì vậy, về phạm vi sửa đổi, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết hiện đang có hai quan điểm khác nhau về đối tượng thuộc diện kê khai tài sản.
Theo đó, quan điểm thứ nhất cho rằng, cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Bởi lẽ, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đưa ra một trong các giải pháp là tiến tới thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của tất cả các cán bộ, công chức là đảng viên.
Theo phương án này, việc kê khai tài sản, thu nhập là bắt buộc đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công.
Video: ĐBQH hiến kế phá vỡ "bức tường im lặng'' trong việc kê khai tài sản quan chức
Quan điểm thứ hai lại cho rằng, nên thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, theo đó tập trung vào đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ cao (từ 0,7 trở lên ở cấp trung ương và 0,9 trở lên ở cấp địa phương) và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao do Chính phủ quy định.
Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, ông Khái cũng cho biết có hai quản điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác và và tại điểm bầu cử. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia. Đối với người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn; đối với người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo…
Quan điểm thứ hai cho rằng, về cơ bản vẫn giữa các hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập như quan điểm thứ nhất, tuy nhiên thay hình thức “công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc” bằng hình thức “công khai tại cuộc họp chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt” cho phù hợp với Nghị quyết Trung ương 3 khóa X của Đảng: ''Tiến tới, tất cả đảng viên là cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, công bố trong chi bộ, cấp ủy và giải trình nguồn gốc khi có yêu cầu”.
Bình luận