Năm 1596, nhà địa lý học Hà Lan Gerardus Mercator sử dụng một phép chiếu bản đồ đẳng góc để trải dài diện tích Trái đất trên một mặt phẳng. Hầu hết các tấm bản đồ mà chúng ta nhìn thấy ngày nay đều dựa trên phép chiếu này.
Phép chiếu này tuy giữ đúng phương, góc nhưng lại bóp méo kích thước thật của một số đối tượng, đặc biệt là các thực thể ở xa xích đạo.
Neil Kaye, một nhà khoa học dữ liệu khí hậu ở Anh mới đây đã tạo ra một bản đồ trực quan xen kẽ với các phép chiếu Mercator giúp người xem có cái nhìn chuẩn xác hơn về tương quan kích thước thật của một số quốc gia và châu lục.
Theo phép chiếu Mercator cũ, Nga và Bắc Mỹ lớn hơn rất nhiều so với châu Phi, nhưng trên thực tế, lục địa đen lớn hơn Bắc Mỹ gấp 3 lần và lớn hơn đáng kể so với Nga.
Greenland từng được coi là một vùng đất rộng lớn, thậm chí còn lớn hơn cả châu Phi nhưng thực tế diện tích của nó nhỏ hơn so với lục địa đen 14 lần.
Phép chiếu Mercator cho thấy các quốc gia ở vùng Scandinavia lớn hơn Ấn Độ trong khi thực tế quốc gia châu Á này lại có diện tích lớn gấp 3 lần tổng diện tích của cả vùng Scandinavia cộng lại.
“Mỗi quốc gia sẽ được chiếu lên địa cầu, sau đó sẽ có một số tinh chỉnh thủ công ở các quốc gia gần với các địa cực”, ông Kaye nói, lý giải đây là điều dễ hiểu khi phải trải dài một quả địa cầu trên một mặt phẳng.
Thêm vào đó, nhiều người tin rằng khác với các học giả địa lý khác cùng thời, Mercator không đi du lịch nhiều mà các kiến thức địa lý của ông chủ yếu dựa vào các thông tin được lấy từ thư viện.
Bình luận