Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ThS. Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế.
Tham dự tập huấn có ThS Đỗ Hữu Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, đại diện Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế công cộng TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; lãnh đạo và chuyên viên các Phòng thuộc Cục An toàn thực phẩm và Thanh tra Bộ Y tế; đại diện Lãnh đạo một số Sở Y tế, Lãnh đạo và cán bộ làm công tác thanh tra an toàn thực phẩm của Thanh tra Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá vai trò quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cục trưởng cũng đánh giá, sau 01 năm Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tại các địa phương, Thanh tra các Sở Y tế, Ban QLATTP và Chi cục ATVSTP đã thực hiện công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm tương đối đồng bộ và hiệu quả, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Trong 9 tháng năm 2019 đã thanh tra, kiểm tra gần 428.000 cơ sở, phát hiện hơn 65.000 cơ sở vi phạm, đã xử lý hơn 13.000 cơ sở, phạt tiền hơn 12.000 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 46 tỷ đồng, bình quân 1 cơ sở phạt 3,9 triệu đồng (cùng kỳ 2018 phạt 1 cơ sở 2,2 triệu đồng).
Ngoài các hình thức phạt tiền còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: đình chỉ lưu hành, tiêu hủy 1706 loại sản phẩm, chuyển cơ quan điều tra và cơ quan chức năng khác xử lý gần 180 trường hợp.
Các địa phương mức xử phạt nhiều, đó là: Hà Nội xử phạt trên 13,7 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh xử phạt trên 8 tỷ đồng; Quảng Ninh gần 3 tỷ đồng; Đồng Nai hơn 2,3 tỷ đồng; Nghệ An hơn 1,6 tỷ đồng; Thanh Hóa gần 1,2 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hậu kiểm vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay, nên việc tập huấn cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, chia sẻ kinh nghiệm xử lý các tình huống trong thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hết sức quan trọng để nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác thanh tra an toàn thực phẩm.
Hội nghị đã được đại diện Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế triển khai Thông tư 18/2019/TT-BYT hướng dẫn về GMP, Thông tư 25/2019/TT-BYT hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Thông tư 23/2018/TT-BYT thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn, thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp huyện và xã của 09 tỉnh, thành phố theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg.
Đặc biệt tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã trao đổi, hướng dẫn một số nội dung và tình huống trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, kiểm nghiệm thực phẩm và các nội dung cơ bản trong thực hiện Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Hội nghị cũng đã giành phần lớn thời gian để trao đổi, thảo luận và giải đáp những vướng mắc cho các địa phương trong thực hiện công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, kiểm nghiệm thực phẩm và xử lý ngộ độc thực phẩm.
Kết luận hội nghị, Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị, các đồng chí báo cáo viên đã giải đáp cơ bản các vướng mắc của các địa phương, trên cơ sở đó toàn hệ thống ngành Y tế thống nhất thực hiện trong thực tiễn công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Các ý kiến vượt quá thẩm quyền, Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết và trả lời bằng văn bản.
Bình luận