Chứng khoán đỏ lửa hai phiên cuối năm
Sự kiện gần nhất hẳn Táo quân phải báo cáo Ngọc Hoàng là hai phiên kinh hoàng của thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 05-06/2/2018.
VN-Index, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam đã giảm 8,64%, tổng giá trị vốn hoá 'bốc hơi' khoảng 14 tỷ USD chỉ trong 2 ngày này.
Theo ghi nhận của PV, đây là đợt giảm điểm liên tiếp có biên độ lớn nhất của Vn-Index từ khủng hoảng tài chính 2009-2010 đến nay. Nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng loạn trong khi các tỷ phú giàu nhất sàn mất hàng chục nghìn tỷ đồng.
U23 Việt Nam khơi dậy khát vọng “con hổ châu Á”
Kỳ tích đi tới trận chung kết giải U23 châu Á của tuyển Việt Nam đã truyền lửa cho hàng chục triệu người hâm mộ.
Từ một sự kiện thể thao, những chiến thắng ngoạn mục của U23 Việt Nam đã khơi dậy khát vọng đưa đất nước trở thành “con hổ châu Á” trên mọi lĩnh vực, đặt biệt là kinh tế.
Chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại bài học kinh nghiệm cũng như thành công của Đội tuyển U23 Việt Nam là ý chí kiên cường, quyết tâm cao và tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, và cho rằng, điều này không chỉ cho bóng đá mà cho cả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mỗi bộ, ngành, địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần hối thúc đưa Việt Nam trở thành “con hổ kinh tế của châu Á”.
GDP tăng kỷ lục 6,81%
Trước kỷ lục của tuyển U23 tại đấu trường châu Á, kinh tế Việt Nam cũng lập kỷ lục với mức tăng trưởng GDP lên tới 6,81%, vượt mọi dự báo.
Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Báo cáo của Chính phủ cho biết xuất khẩu ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%.
Trong đó, hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại…
Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hàng loạt đại án
Tuy nhiên, năm Đinh Dậu cũng là năm ghi nhận số lãnh đạo doanh nghiệp cộm cán bị khởi tố, bắt giam, đưa ra xét xử tăng kỷ lục.
Ngay những ngày cuối năm, Toà đã tuyên án vụ tham ô tài sản tại PVP Land. Theo đó, Trịnh Xuân Thanh lãnh thêm án chung thân thứ hai, sau án đã nhận được từ vụ cố ý làm trái tại PVC.
Trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam, đây có thể năm “đen tối” nhất khi cả 4 vị cựu chủ tịch đều lãnh án. Trong đó, cựu chủ tịch nổi tiếng nhất là ông Đinh La Thăng nhận án 13 năm tù vì cố ý làm trái trong vụ án xảy ra tại PVC.
Ở phía Nam, toà cũng vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh. Cùng thời điểm, tòa đang đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Nhiều cựu lãnh đạo ngân hàng được triệu tập...
Tuy xảy ra hàng loạt vụ án chấn độngnhưng tâm lý thị trường không bị tác động tiêu cực. VN-Index năm nay vẫn tăng trưởng kỷ lục, vượt mốc 1.000 điểm.
Đặc biệt, nhiều lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý nhưng "sóng" cổ phiếu ngân hàng vẫn dâng cao với mức tăng trưởng từ 30 -70% trong năm qua. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư vào sự nghiêm minh của pháp luật và công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Tổng bí thư lãnh đạo.
Video: Táo Kinh tế khoe giọng hát cực đỉnh
Bình luận