Bệnh nhân là anh Nguyễn Văn L. (nam, 49 tuổi, ở Quốc Oai - Hà Nội) có thói quen ngậm tăm trong miệng, nhiều khi đi ngủ anh cũng ngậm tăm.
Một lần tình cờ anh vô tình nuốt chiếc tăm khi đang ngậm như thói quen thường lệ. Cứ nghĩ sẽ không sao nên anh không lưu ý đến, tuy nhiên sau 2 tuần anh thấy đau bụng vùng hố chậu bên phải.
Tình trạng ngày một đau tăng nên bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện một ổ áp xe vùng hố chậu phải. Đáng chú ý, một đầu tăm nằm trong thành bụng, một đầu nằm trong ruột non.
Bằng các phương tiện siêu âm và chụp cắt lớp, các bác sĩ nhận định chiếc tăm đã xuyên qua thành ruột non, một đầu găm vào thành bụng và một đầu vẫn nằm trong lòng ruột; đặc biệt đầu ngoài chiếc tăm gây viêm ở thành bụng tạo thành ổ áp xe.
Theo các bác sĩ, để điều trị cho bệnh nhân cần ưu tiên lấy bỏ dị vật với các phương án có thể gồm: phẫu thuật vào trong ổ bụng, nội soi qua ống tiêu hoá và can thiệp tối thiểu dưới hướng dẫn của hình ảnh.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương - khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, lựa chọn cuối cùng được đưa ra sau khi hội chẩn là: lấy chiếc tăm qua hướng dẫn của siêu âm.
Đây là một kỹ thuật chưa từng có trong y văn, các bác sĩ can thiệp đã dùng siêu âm để định vị tạo một đường hầm đi trong thành bụng, qua các dụng cụ nong rộng đủ để ống kính camera đi vào tiếp cận và rút chiếc tăm ra an toàn. Bệnh nhân được xuất viện sau 3 ngày điều trị.
"Đây là kỹ thuật đặt ống thông để nội soi dưới hướng dẫn của siêu âm lấy dị vật trong thành bụng chưa từng được áp dụng trong y văn. Cái khó nhất là phải tạo được đường hầm vào đúng đầu chiếc tăm nhưng không làm thay đổi vị trí của chiếc tăm trong ổ bụng hay trong lòng ruột sẽ làm rộng tổn thương và nguy cơ nhiễm trùng thành bụng cũng như viêm phúc mạc'' BS Cương chia sẻ.
Bình luận