• Zalo

Tăng trưởng kinh tế: Xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo

Kinh tếThứ Năm, 07/06/2018 12:15:00 +07:00Google News

Theo SSI, các số liệu kinh tế tháng 5 đang đưa ra một số tín hiệu cảnh báo về tăng trưởng trong quý 2 cũng như thời gian còn lại của năm 2018...

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa đưa ra báo cáo Kinh tế Việt Nam tháng 5/2018, trong đó khẳng định tăng trưởng kinh tế đang xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo. 

Cụ thể, trong khi khu vực Nông nghiệp, Thủy sản khởi sắc nhờ lúa gạo và cá tra thì khu vực công nghiệp lại tăng trưởng chậm lại do điện tử, điện thoại.

“Chỉ số công nghiệp tháng 5 tăng 7,1%, là tháng 5 có tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây. Tuy vậy nhờ các tháng đầu năm có tăng trưởng cao nên tính chung 5 tháng, tăng trưởng công nghiệp vẫn đạt 9,7%, là 5 tháng có mức tăng cao nhất nhiều năm”, SSI cho hay.

vnf-tang-truong-kinh-te-viet-nam

Tăng trưởng kinh tế: Xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo 

Sở dĩ chỉ số công nghiệp tăng chậm lại là do ngành Điện tử chỉ tăng 2,2%. Cùng kỳ 2017 là mùa cao điểm sản xuất Samsung Galaxy S8 trong khi năm nay Galaxy S9 đã ra mắt sớm hơn và tạo ra tăng trưởng rất cao trong quý 1. Xuất khẩu điện thoại trong tháng 5 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 17,6% trong khi xuất khẩu điện thoại của quý 1 tăng 62,3%. Cộng gộp 2 tháng 4 và 5, tổng xuất khẩu điện thoại là 6,8 tỷ USD, giảm 19%.

“Do nền cao của cùng kỳ, tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu điện thoại trong quý 2/2018 sẽ thấp, từ đó kéo giảm tăng trưởng GDP”, SSI nhận định.

Cùng với khu vực công nghiệp, khu vực dịch vụ cũng có tín hiệu giảm tốc trong tháng 5.

Cụ thể, bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 5 tăng 10,4% và 5 tháng tăng 10,1%, nếu loại trừ lạm phát, tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ 5 tháng tăng 8,3%, mức thấp nhất 12 tháng.

“Nguyên nhân ngành bán lẻ giảm tốc một phần đến từ hoạt động du lịch. Doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 tăng 8,9%, thấp nhất 15 tháng và mảng du lịch lữ hành tăng 23%, thấp nhất từ đầu năm”, SSI dẫn giải.

Tựu chung lại, SSI cho rằng các số liệu kinh tế tháng 5 đang đưa ra một số tín hiệu cảnh báo về tăng trưởng trong quý 2 cũng như thời gian còn lại của năm 2018. Nổi lên rõ nhất rủi ro từ những cuộc chiến thương mại.

 “Chính sách bảo hộ đang có tác động ngày một rõ đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử trong khi đây lại là nhóm tạo động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam. Hệ quả có thể nhận thấy là sự sụt giảm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của khối FDI, kéo theo tăng trưởng việc làm và sức cầu tiêu dùng chung”, SSI nêu quan điểm.

SSI nhìn nhận, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là những điểm sáng trong quý 2, tạo ra hy vọng về những hướng đi mới giúp cân bằng các động lực tăng trưởng trong tương lai.

“Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng sự phát triển của một vài ngành công nghiệp trong nước là kết quả của chính sách bảo hộ hoặc may mắn hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam vì vậy cần phải tận dụng nhanh thời cơ để chiếm thị phần trước khi luật chơi lại thay đổi”, SSI đánh giá.

Sau quý I khởi đầu thuận lợi, SSI cho rằng lực cản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn khiến tăng trưởng của quý 2 giảm tốc và có thể xuống dưới 7%.

Theo góc nhìn của SSI, bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh trong khi sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và đầu tư trong nước chưa theo kịp có thể làm nhỡ nhịp tăng trưởng trong một vài quý. Điều này càng cho thấy nhu cầu cấp bách phải phát triển nhanh ‘đàn sếu lớn’, những doanh nghiệp nội địa mạnh, sức cạnh tranh cao để làm hạt nhân, từ đó tạo được thế tăng trưởng cao và bền vững hơn cho kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Video: Những phát ngôn ấn tượng tại kỳ họp 5, Quốc hội khóa XIV

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Bình luận
vtcnews.vn