• Zalo

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Chuyên gia phân tích gì?

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 18/10/2024 14:59:47 +07:00Google News
(VTC News) -

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với mặt hàng thuốc lá đang nhận được sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia.

Sáng nay, Truyền hình Quốc hội tổ chức tọa đàm tập trung thảo luận về vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Theo các chuyên gia và đại biểu tham dự, việc tăng thuế thuốc lá là một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ, đặc biệt là đối với nhóm người có thu nhập thấp. Khi tăng giá thành sản phẩm, người tiêu dùng sẽ có xu hướng hạn chế mua thuốc lá, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội.

Tại tọa đàm, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chia sẻ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Theo đó, việc tăng thuế cao và ổn định là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm tiêu thụ thuốc lá hiệu quả.

TS. Angela Pratt, trưởng đại diện WHO cho biết: Một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới Việt Nam (tới trên 40%) là do giá thuốc lá cực kỳ rẻ và nguyên nhân là vì thuế rất thấp. Và khi thu nhập tăng lên nhưng giá thuốc lá thì không theo kịp thì theo thời gian giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ mua hơn.

Trong khi đó, thuế thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Bà Angela Pratt cho rằng, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá trong thập kỷ qua. “Tuy nhiên, chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn - thông qua việc tăng thuế cao hơn - để đạt được các mục tiêu của Chính phủ về giảm hút thuốc và biện pháp này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, cứu nhiều mạng sống.

Áp dụng thuế thuốc lá cao hơn sẽ bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe của người dân và qua đó sẽ giúp hiện thực hóa khát vọng của quốc gia về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn”, bà nói.

TS. Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại buổi tọa đàm.

TS. Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại buổi tọa đàm.

Dựa trên những kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng mức thuế cao hơn so với đề xuất hiện tại của Bộ Tài chính. Đồng thời, cần có những biện pháp để ngăn chặn buôn lậu và đảm bảo hiệu quả thu thuế.

Cần giải pháp đồng bộ

Tuy đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá nhưng các diễn giả cũng chỉ ra rằng việc tăng thuế chỉ là một phần trong giải pháp tổng thể. Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo đúng lộ trình của chiến lược, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, và siết chặt quản lý thị trường.

Ngoài ra, việc tăng thuế thuốc lá cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về mặt kinh tế. Một số ý kiến e ngại rằng, việc tăng thuế quá cao có thể dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá, gây thất thu ngân sách và khó kiểm soát chất lượng sản phẩm.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, với những căn cứ khoa học, xã hội, chúng ta cần đánh giá sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc là, xem đâu là lợi ích của Nhà nước, đâu là lợi ích của xã hội, đâu là lợi ích của doanh nghiệp.

Giữa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe thì chúng ta đặt trọng tâm vào lợi ích sức khỏe hay kinh tế? Nếu với tầm nhìn Nhà nước là Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì chúng ta phải phát triển song song các lợi ích này. Nhưng chính sách về mặt an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm thì sức khỏe người dân vẫn phải đặt lên hàng đầu”, ông chia sẻ.

Ông cũng cho biết thêm, Dự thảo về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá có những điểm rất tiến bộ, đó là chúng ta đánh thuế tương đối đối với thuốc lá/ giá của nhà sản xuất hoặc nhập khẩu là 75%. Chúng ta còn có thêm thuế hỗn hợp với mức cao nhất là 10.000 đồng từ nay cho đến 2030. Bộ Y tế thì đề xuất mức thế này là 15.000 đồng. Có như vậy mới đạt được mục tiêu Quốc gia là phòng chống thuốc lá 36%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài, không chỉ cho sức khỏe cộng đồng mà còn cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng số thu thuế thu được để đầu tư vào các chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ góp phần giảm thiểu các chi phí y tế xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với mặt hàng thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

Các chuyên gia cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với mặt hàng thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

Mới đây, trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đối với thuốc lá với 2 phương án:

Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

Phương án 2: năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. 

Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.

Để giảm lượng tiêu thụ đối với thuốc lá, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn