Trao đổi với PV VTC News về việc Bộ Tài chính đề xuất tăng một loạt sắc thuế, trong đó có thuế GTGT tăng lên 12%, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) đã có những phân tích về vấn đề này.
Video: Bộ Tài chính nói về việc tăng thuế?
Giảm nhu cầu tiêu dùng của dân
- Thưa ông, việc tăng thuế GTGT (VAT) sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất và chi tiêu?
Đây là đề án về việc cấu trúc lại toàn bộ hệ thống thuế của Việt Nam. Chúng ta thấy rằng, đây là đề án cấu trúc lại toàn bộ hệ thống thuế Việt Nam theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, chúng ta có xem xét lại những sắc thuế và luật thuế để phù hợp với điều kiện hội nhập.
Hầu hết các quốc gia mà chúng ta đã ký hiệp định thương mại song phương và đa phương thì thuế xuất nhập khẩu giảm từ 0% đến 5%.
Chúng ta sẽ xem xét khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nền kinh tế, trong đó có việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nói chung và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.
Chúng ta có xem xét cấu trúc lại luật thuế thu nhập cá nhân. Ở đây, chúng ta vừa nới rộng khoảng của các mức thuế cũng như vừa hạ thấp các mức thu thuế, nâng cao mức tiền bắt đầu phải đóng thuế.
Như vậy, với ba luật thuế này, nó đang làm giảm rất nhiều nguồn thu của ngân sách nhà nước. Đồng thời, nó đảm bảo rằng, các khoản thuế thu trực tiếp và người hưởng giảm đi đáng kể. Và đây là động lực để cho cá nhân cũng như doanh nghiệp tăng cường sản xuất, mở rộng kinh doanh.
Chúng ta sẽ phải áp dụng một số luật thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó có luật thuế tài sản. Và chúng ta phải xem xét lại các luật thuế về tài nguyên môi trường cũng như các luật thuế khác. Đồng thời, xem xét lại việc đánh thuế giá trị gia tăng.
Hầu hết, các quốc gia trên thế giới và trong khu vực hiện nay đều theo xu hướng chung là tăng thuế gián thu để đảm bảo các cái yêu cầu khác. Tất nhiên, thuế gián thu sẽ làm cho tiêu dùng của người dân sẽ giảm đi.
Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, thuế GTGT chỉ đánh trên phần giá trị tăng thêm của tài sản và vì thế, mức độ đánh thuế không phải 2% (tăng thêm 2% - PV) như nhiều người nói. Mặc dù chúng ta nói là tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, nhưng như vậy không có nghĩa là ta đánh thêm 2%, mà nó chỉ có 2% trên giá trị tăng thêm.
Ví dụ, như Samsung, họ nhập 80% nguyên vật liệu từ nước ngoài và chỉ có 20% giá trị tăng thêm từ Việt Nam thôi. Và như vậy thì họ chỉ lấy 20% tăng thêm ở Việt Nam nhân với phần tăng thêm 2% = 0,4%.
Với các doanh nghiệp cũng thế, khi họ nhập các hàng hóa có thuế GTGT rồi thì họ phải trừ thuế GTGT đi. Do vậy, phần tăng thêm sẽ không nhiều.
Điều thứ 2, khi đánh thuế gián thu là đánh vào người tiêu dùng và nó dứt khoát làm giảm tiêu dùng đi.
Nhưng chúng ta phải nhìn thấy rằng, việc xem xét áp dụng sắc thuế này sẽ được áp dụng trong thời gian một vài năm tiếp theo (không áp dụng ngay lập tức, dự kiến áp dụng từ tháng 1/2019) khi mà thu nhập người dân đã tăng lên. Cho nên, mức đánh thuế GTGT tăng thêm đó không đáng kể để chúng ta phải quá lo lắng.
- Vậy, thuế VAT tăng lên 12% là cao hay thấp, thưa ông?
Hầu hết các quốc gia trên thế giới, khi xem xét biểu thuế từ năm 2005 đến nay thì đều có mức thuế GTGT từ 15 – trên 20%. Như các nước Asean hầu hết đều đánh thuế 15%, kể cả nước Mlaysia, Philippine…, riêng việc chúng ta nâng lên 12% là không cao. Chưa tính các nước châu âu, EU, Mỹ, Canada… mức thuế GTGT là trên 20%.
Vì thế, mức 12% chỉ là giai đoạn đầu thôi, sau này mức thu nhập ta cao hơn thì còn phải tiếp tục tăng thuế xuất GTGT này lên để tương ứng với mức GTGT của các quốc gia và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong quá trình sản xuất và tiêu thị sản phẩm.
Tôi khẳng định, mức 12% là không cao. Rồi chúng ta sẽ còn phải nâng tiếp để tương xứng với mức thuế GTGT chung của các quốc gia khi tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm.
Không thể để ngân sách thâm hụt mãi
- Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để bình ổn ngân sách thì cần phải giảm chi thường xuyên, chứ không phải tăng thuế. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Nói đến vấn đề chi tiêu ngân sách nhà nước là một vấn đề khác. Ở đây, chúng ta đang nói đến nguồn thu, khi nhìn vào tổng thể nguồn thu của ngân sách khi hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải hệ thống lại cấu trúc thuế.
Thực sự, việc tăng thu thuế GTGT này chỉ làm giảm mức thu được một chút thôi. Về cơ bản, việc giảm thu thuế xuất nhập khẩu, giảm của thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN… thì giảm rất nhiều theo cấu trúc thuế này. Còn nếu theo luật thuế GTGT của chúng ta đang nói tăng lên 12%, không phải tất cả đều tăng mà có mặt hàng tăng, có mặt hàng giữ nguyên và có mặt hàng giảm.
Khi nói đến chi tiêu của ngân sách nhà nước, tôi đã nhiều lần nói về vấn đề này, có nhiều vấn đề chúng ta phải cấu trúc lại, phải cắt giảm các khoản chi của ngân sách nhà nước. Không thể để ngân sách năm nào cũng thiếu hụt 5-7% như thời gian vừa qua.
Vì đã thiếu chúng ta phải đi vay, mà đã vay là phải trả, rõ ràng như vậy làm cho nợ công của chúng ta tăng lên. Và điều này là điều nguy hiểm, vì nó tăng mãi thì đến một lúc nào đó, nó sẽ dẫn đến việc chúng ta vỡ nợ.
Việc cấu trúc lại chi tiêu ngân sách nhà nước cũng rất quan trọng, hiện nay chi tiêu thường xuyên của chúng ta quá lớn, có những năm đến 60 – 70% hoặc cao hơn. Và như vậy, ta không đủ nguồn lực để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, cho đầu tư phát triển.
Cho nên, việc tái cấu trúc lại chi tiêu là việc rất quan trọng chúng ta phải làm bây giờ và làm triệt để và kiên quyết, bằng việc xem xét lại hệ thống người được hưởng lương của cơ quan hành chính cũng như xem xét giảm sự o bế của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước, để giảm chi tiêu công.
Đặc biệt, trong hoạt động đầu tư công, trong 10 năm qua có nhiều dự án hàng nghìn tỷ lãng phí, đắp chiếu hoặc không có hiệu quả, và nó làm cho hoạt động đầu tư của khu vực công đã thiếu rồi lại còn không có tác dụng.
Như vậy, rõ ràng việc cơ cấu lại, xem xét lại chi tiêu công là công việc cực kỳ quan trọng. Nhưng nguồn thu cũng phải xem xét lại để đảm bảo nguồn thu và cấu trúc lại nguồn thu cho phù hợp với hội nhập. Chi tiêu thì là mảng khác, 2 mảng đó đều cần thực hiện một cách khẩn trương, vì chúng ta đã hội nhập kinh tế rất sâu rộng.
Chúng ta mà cứ vung tay quá trán thì có thu bao nhiêu cũng không lại.
- Có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế là "tận thu", chứ không phải tăng thu? Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?
Nếu như chúng ta cấu trúc lại nguồn thu thì ta thấy rằng, tỷ lệ giảm thu của ta nhiều hơn. Ở đây, cái mà các chuyên gia kinh tế thế giới nhìn nhận và đánh giá, việc thu của ngân sách nhà nước là thu bao nhiêu % GDP cho ngân sách nhà nước.
Người ta xem tổng các loại thuế phí nó thu về cho ngân sách nhà nước là bao nhiêu % GDP, nếu cách tái cấu trúc thuế của chúng ta đây nó đang làm giảm nguồn thu từ GDP cho ngân sách nhà nước chứ không tăng. Và vì thế, ý kiến cho rằng Bộ Tài chính tăng thu là không đúng, tận thu cũng không đúng.
Người ta đánh giá tổng thu của ngân sách nhà nước là bao nhiêu %, tỷ lệ đó mới nói lên nhiều… thì nếu như cấu trúc thuế đang giảm đi ngân sách nhà nước, nói là tăng thu hay tận thu là không đúng, bởi vì người ta cứ tách ra ví dụ như thuế tài sản ngày trước toàn thấy thuế này thuế kia giờ thành luật thuế tài sản: “À như thế là các ông thiếu quá tăng thu?” không phải.
Chúng ta phải xem tổng GDP mà nhà nước thu về tăng hay giảm với các luật thuế hiện nay chúng ta đang nói thì cái tổng thu từ GDP cho ngân sách nhà nước thấp hơn so với các năm trước đây.
Nếu cứ nhìn vào mỗi việc tăng thu cái này cái khác là không ổn, chúng ta đang trong quá trình tái cấu trúc các nguồn thu toàn bộ các loại thuế sẽ có thay đổi. Cả thuế GTGT, cả thuế thu đặc biệt… và nhiều thứ thuế khác. Nếu việc ta cấu trúc lại phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế thì lúc đó mức thu của chúng ta mới có thể ngang bằng với mức thu trước đây.
Bình luận