Giá vàng SJC tại các công ty lớn trong sáng nay đều tăng khá mạnh từ 100.000 - 300.000 đồng/lượng.
Cụ thể, 10h sáng nay, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 48,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,2 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 220.000 và 300.000 đồng/lượng tương ứng với chiều mua vào - bán ra.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tương ứng ở mức: 48,8 - 49,18 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,95 - 49,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng trong nước tăng do giá thế giới vừa đạt đỉnh 8 năm, trước mối lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ hai. Sáng nay, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 1.768 USD/ounce, tăng 14 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Như vậy, giá vàng trong nước đang tăng chậm hơn đà nhảy vọt của giá thế giới, khiến giá vàng SJC đang rẻ hơn thế giới khoảng 500.000 đồng/lượng.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo cho biết, vàng có thể phá vỡ vùng giá 1.745 - 1.765 USD/ounce và sẽ sớm chạm đến ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Vàng còn được hỗ trợ chủ yếu bằng lãi suất thấp và các biện pháp kích thích rộng rãi của các ngân hàng trung ương toàn cầu để giảm bớt sóng gió kinh tế từ đại dịch. Bên cạnh đó, kim loại quý này cũng được coi là một hàng rào chống lạm phát và tranh chấp tiền tệ.
Sự suy yếu của đồng USD cũng góp phần vào đà tăng của vàng. Chỉ số đồng DXY, đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm khá mạnh từ mức khoảng 97,5 điểm trong tuần trước xuống mức 96,5 điểm như hiện tại.
Giá vàng tăng mạnh còn do giới đầu tư vẫn e ngại về sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Theo một đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu trong quý 2 sẽ giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong quý 1, mức giảm là 3%.
Trong báo cáo triển vọng toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm 5,2% trong năm 2020. Đây sẽ là đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.
Bình luận