Chiều ngày 17/12, tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần có chiến lược phát triển KTNN để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như hoạt động kiểm soát quyền lực. Để làm được nhiệm vụ này, Kiểm toán phải hoạt động độc lập và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và phải không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động.
Đồng ý quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Việt Nam gia nhập kiểm toán quốc tế nên chiến lược phát triển KTNN phải là công cụ kiểm soát quyền lực của Quốc hội. Do vậy, cần có chiến lược dài hạn trong 10 năm tới.
Trong Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với việc phát triển hệ thống tổ chức bộ máy trong giai đoạn tới theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng và tăng cường phân cấp cho các đơn vị trực thuộc đã nêu trong dự thảo chiến lược.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong Dự thảo Chiến lược. Tuy nhiên, việc KTNN đề xuất tăng biên chế lên 2.600 - 2.700 người cần phải cân nhắc.
Theo đó, chiến lược đề cập đến việc nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính. Song, đề nghị KTNN cần thuyết minh rõ hơn sự cần thiết và bảo đảm khi nâng cấp không làm tăng biên chế.
Đồng thời, chiến lược về phát triển hệ thống tổ chức bộ máy chưa rõ do chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền về việc nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán.
Bên cạnh đó, cần giải trình rõ hơn căn cứ đề xuất số biên chế tăng thêm, để bảo đảm tuyển dụng và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhiệm vụ đặt ra cho KTNN trong thời gian tới.
Đặc biệt là chính sách trọng dụng nhân tài, lưu ý gắn với đề án ứng dụng công nghệ thông tin vì ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc giảm nhân lực của các cuộc kiểm toán.
Đề cập tới việc tăng nguồn nhân lực của KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các cơ quan, đơn vị đang thực hiện tinh giản biên chế, do đó KTNN cũng nên áp dụng. Tuy nhiên, khi thực hiện tinh giản phải sao cho có hiệu quả, khách quan. Tinh giản biên chế phải song hành với xem xét trả lương theo vị trí việc làm.
Kết luận cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương xây dựng chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035. Tuy nhiên, yêu cầu KTNN cần làm rõ hơn những việc đã làm trong 10 năm 2010-2020, để chỉ rõ những hoạt động đã làm được và những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.
Bình luận