• Zalo

Tận mắt cuộc đốt lưỡi kinh dị ở Tây Côn Lĩnh

Phóng sự - Khám phá Thứ Bảy, 15/11/2014 05:39:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiệt lượng ngấm trong lưỡi cày sắt rất cao, nên đốt lưỡi cháy xèo xèo, khét lẹt.

(VTC News) - Nhiệt lượng ngấm trong lưỡi cày sắt rất cao, nên đốt lưỡi cháy xèo xèo, khét lẹt.

Kỳ 3 (kỳ cuối): Cuộc đốt lưỡi kinh dị

Từ khi bỗng dưng có năng lực kỳ lạ, đốt lưỡi bằng lưỡi cày nung đỏ không cháy, thầy cúng người Cờ Lao Min Phà Xoàn không chỉ là người chủ trì những buổi lễ quan trọng nhất của bản, đặc biệt là lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng, mà còn chủ trì các nghi lễ cưới hỏi, ma chay, thậm chí là trị bệnh cho bà con dân bản.

Người Cờ Lao ở bản Phìn Sư (Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang), ở trên lưng đỉnh Tây Côn Lĩnh, sống khép kín giữa rừng già này ít giao lưu với bên ngoài, nên ánh sáng văn minh còn chưa rọi tới, còn nhiều hủ tục cổ xưa.

Người bị bệnh họ ít cho đi bệnh viện, mà nghĩ là có con “ma” ám hại. Rồi vợ chồng lục đục, công việc không xuôi chèo mát mái, họ cũng đổ riệt cho con “ma” vô hình nào đó.

Để giải quyết những việc đó, họ tìm đến thầy cúng, nhờ đuổi “ma”. Thế là, Min Phà Xoàn không chỉ là thầy cúng, thầy mo, mà còn kiêm luôn cả… bác sĩ.
Min Phà Xoàn liếm lưỡi dao nung đỏ 
Theo lời Min Phà Xoàn, lễ cúng đuổi “ma”, xua đen đủi rất phức tạp và rườm rà. Tuy nhiên, để đuổi “ma” có hiệu quả, thì phải biết… liếm lưỡi cày nung đỏ.

Lúc cúng bái, thầy cúng Min Phà Xoàn sẽ mời con “ma dữ” vào nhà chủ ăn gà, lợn, xôi, uống rượu ngon. Khi các con ma dữ có mặt, Min Phà Xoàn sẽ lấy chiếc lưỡi cày nóng liếm vào, hoặc cắn bằng răng, để bọn “ma” sợ hãi.

Theo lời Xoàn, thầy cúng phải giỏi hơn con “ma”, làm được việc khó hơn nó, thì nó mới nể sợ mà bỏ đi, không làm hại gia chủ nữa.

Tôi hỏi Xoàn: “Thế anh cúng và liếm lưỡi cày, người ta có khỏi bệnh không?”, thì Xoàn thú nhận: “Cũng có trường hợp khỏi, cũng có trường hợp không khỏi. Tại con ma đó khỏe quá, nó không sợ mình, nên không bỏ đi”.

Tôi giải thích rằng, ốm đau do bệnh, chứ không phải ma quỷ gì cả, thì Xoàn cũng gật đầu, nhưng Xoàn lại nói thêm: “Mình cũng bảo họ đưa người ốm đến trạm xá để bác sĩ xem, nhưng họ không nghe đâu, cứ đòi cúng bắt ma thôi, thì mình biết làm sao được”.

Chẳng biết khả năng “dọa ma” bằng cách liếm lưỡi cày của Xoàn hiệu quả như thế nào, chỉ biết rằng danh tiếng của thầy cúng Min Phà Xoàn đã vang rất xa, vượt cả ra ngoài dãy núi Tây Côn Lĩnh.
Đốt lá bùa trước khi liếm lưỡi cày nung đỏ 
Không chỉ người Cờ Lao, mà người Mông, người Dao, người Nùng, người Tày, người La Chí trong vùng cũng rước Xoàn đi cúng và đốt lưỡi dọa ma. Cũng theo lời Xoàn, chi phí mỗi ngày cúng bái của Xoàn là 100 ngàn đồng.

Câu chuyện trong ngôi nhà gỗ thấp lè tè tối om trên lưng Tây Côn Lĩnh đã kéo dài tới 3 giờ đồng hồ. Xoàn liên tục rít thuốc lào, nhả khói mù mịt, rồi nhồi thêm gỗ, vun than hồng để chiếc lưỡi cày nhanh ngấm nhiệt.

Xoàn bảo tôi chuẩn bị máy ảnh, để anh bắt đầu biểu diễn màn liếm lưỡi cày độc đáo.

Thầy cúng Min Phà Xoàn châm 3 que hương, cắm trên bàn thờ chính, bàn thờ đặt dưới đất và bàn thờ bố. Thắp hương xong, Xoàn chắp tay lầm rầm khấn vái.

Khấn xong, tôi hỏi nội dung, Xoàn bảo chỉ là xin thần linh phù hộ, cho phép biểu diễn liếm lưỡi cày cho nhà báo xem. Xoàn cũng yêu cầu tôi chắp tay xin thần linh cho xem buổi biểu diễn.

Khấn vái, xin xỏ xong, Min Phà Xoàn lấy hai tờ giấy màu vàng, trông như lá bùa châm lửa đốt. Hai tay Xoàn cầm hai tờ giấy cháy đùng đùng huơ huơ trước bàn thờ, rồi ném xuống trước mặt bàn thờ dưới mặt đất.

Min Phà Xoàn lấy hai miếng sừng trâu nhỏ bằng bao diêm, lầm rầm khấn, rồi thả xuống đất. Hóa ra là gieo quẻ âm dương.

Gieo xong, Xoàn bảo thần linh đã đồng ý cho Xoàn biểu diễn và cho nhà báo xem.

Vừa nói dứt lời, Xoàn xồng xộc xông ra bếp, hai tay cầm chiếc lưỡi cày thép nóng bỏng chạy ra bàn thờ, vừa đọc thần chú vừa nhảy lò cò vừa chao chiếc lưỡi cày nghiêng ngả.

Cứ đọc xong một câu thần chú, chừng 2-3 giây, Xoàn lại thè lưỡi liếm vào đầu lưỡi cày một cái.

Nhiệt lượng ngấm trong lưỡi cày sắt rất cao, nên đốt lưỡi cháy xèo xèo, khét lẹt. Xoàn liếm đến chục lần, mới chịu dừng lại.
Cầm lưỡi cày múa... 
...và liên tục liếm 
Biểu diễn xong, Xoàn để chiếc lưỡi cày dựng đứng dưới ban thờ. Tôi đặt tờ giấy lên lưỡi cày, chỉ một lúc là ngút khói và bốc thành lửa. Dù đã rời bếp một lúc, song sức nóng của lưỡi cày vẫn khủng khiếp.

Tôi yêu cầu Xoàn đọc cho câu thần chú để chép lại, Xoàn đọc chậm rãi: “Sáu xéng, sáu chưa sáu xéng cùng sơ phú…”.

Nghe mấy câu thần chú hệt tiếng Tàu. Tiếng nói của người Cờ Lao cũng rất giống tiếng Tàu.

Tôi yêu cầu dịch nghĩa, nhưng Xoàn bảo không dịch được và bản thân anh cũng không hiểu được nghĩa của câu thần chú. Anh chỉ biết rằng, cứ đọc như thế, thì liếm lưỡi cày, chứ liếm than hồng, hay đốt lưỡi trong lửa cũng không cháy.

Chụp ảnh xong, tôi cứ tiếc rằng, chiếc lưỡi cày dày quá, nên không lên được màu lửa. Xoàn nghĩ một lúc, rồi ra chái nhà lấy con dao đi nương cắm vào bếp than hồng.

Con dao mỏng, nên chỉ chục phút đã đỏ rực. Xoàn ngồi luôn ở bếp, nhấc con dao như cục than ấy lên, rồi chậm rãi thè lưỡi liếm như trẻ con liếm que kem.

Xoàn cứ liếm đi liếm lại, cho tôi chụp ảnh chán chê, cho đến khi không còn màu đỏ của lửa nữa, mới dừng lại. Mùi nước bọt cháy khét lẹt, nhưng Xoàn thè lưỡi cho tôi xem, chẳng thấy dấu vết tổn thương nào cả. Lưỡi thầy cúng Min Phà Xoàn vẫn hồng tươi, như không có chuyện gì xảy ra.

Bữa cơm chiều, với món gà không có phao câu, loài gà có rất nhiều trong bản người Cờ Lao, được vợ Xoàn dọn ra. Gà ngon, rượu ngon, và những câu chuyện thần bí của người Cờ Lao kể suốt đêm không hết…


Dương Phạm - Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn