Chiều 26/7, nữ điều dưỡng Yến vào Bệnh viện Đà Nẵng cách ly cùng khoảng 6.000 người gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. Thời điểm này, Đà Nẵng đã ghi nhận hai ca mắc COVID-19, là "bệnh nhân 416" và "bệnh nhân 418", đều có lịch sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Tối cùng ngày, cô thấy đau cơ tay, sốt nhẹ nên đến khám ở khu sàng lọc COVID-19 (Khoa Cấp cứu), sau đó được chuyển cách ly ở Khoa Nội yêu cầu. "Tôi đo nhiệt độ thấy sốt 38,5 độ C, đinh ninh mình mắc COVID-19, nhưng vẫn tự động viên chắc mình chỉ bị cảm cúm vì không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân", Yến kể.
8h sáng hôm sau, lãnh đạo khoa gọi điện báo Yến chuẩn bị đồ đạc đi cách ly nơi khác vì "khả năng em bị nhiễm COVID-19". Sợ cô lo lắng, ông trấn an "nhiều nhân viên bệnh viện cũng bị, sẽ qua thôi".
"Ngồi trong xe cấp cứu chở xuống Bệnh viện Phổi cách ly, lòng tôi rối bời, mắt đã đỏ hoe từ khi nào. May mắn khi xuống cách ly, các phòng bên cạnh là những đồng nghiệp cùng bệnh viện, cùng bị dương tính. Như gặp người quen, tôi không còn cảm giác bơ vơ, lạc lõng nữa", Yến chia sẻ.
9 ngày trước Yến đã về Nghệ An thăm nhà, khi cô em gái chuẩn bị cưới chồng. Khi đó, cả nước chưa có ca dương tính.. Cô gọi điện thoại về ngay cho mẹ, dặn gia đình tự cách ly, báo tin cho những đồng nghiệp từng tiếp xúc với mình.
"Lúc nhận kết quả dương tính với nCoV, tôi ngồi yên một mình trong phòng. Điều tôi lo lắng nhất là đã làm liên luỵ đến nhiều người. Không biết người thân trong gia đình có bị lây không, hàng xóm có kỳ thị không, đồng nghiệp nếu mắc bệnh thì cuộc sống gia đình sẽ như thế nào", cô nói.
Hơn 40 người có tiếp xúc gần với Yến ở quê, cùng hơn chục đồng nghiệp được lấy mẫu xét nghiệm. Đám cưới của em gái phải tạm hoãn. Ở khu cách ly, cô chỉ biết cầu nguyện cho kết quả của mọi người âm tính. Vợ chồng chủ nhà trọ, làm cùng bệnh viện, đi cách ly, phải gửi con nhờ hàng xóm trông giúp.
Hai ngày trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trả kết quả. Lần lượt cha mẹ, em gái và những người thân, bạn bè, người trọ cùng đều có kết quả âm tính lần một. "Mọi người phải cách ly thêm 10 ngày nữa. Nhưng em như trút được gánh nặng, tinh thần thoải mái hơn", Yến nói.
Nhưng ở quê, người thân gọi điện cho biết người trong làng bị kỳ thị, "cả xã đồn ầm lên", dù lần dịch này chưa tìm được nguồn lây và những người như Yến cũng không biết mắc bệnh từ đâu.
Thông tin cá nhân của Yến bị nhiều người biết, liên tiếp số điện thoại lạ gọi đến. Lịch trình của Yến còn bị nhiều người chế làm trò trêu đùa trên mạng. "Ban đầu tôi buồn lắm, nhưng việc điều trị bệnh cần tinh thần lạc quan nên đã gạt những chuyện đó ra khỏi suy nghĩ", Yến nói.
Ở khu cách ly, khẩu trang là vật dụng gắn liền với người bệnh. Hàng ngày, ngoài việc uống thuốc điều trị và ăn uống để tăng sức đề kháng, Yến dành thời gian đi lại quanh căn phòng khoảng 16 m2 để vận động. Cô đã hết ho, không còn sốt hay đau họng. Những cuộc điện thoại về nhà nhiều tiếng cười hơn.
Đà Nẵng đang là tâm dịch của cả nước, mỗi ngày ghi nhận hàng chục ca mắc mới. Thành phố phải lập bệnh viện dã chiến ở nhiều nơi. Yến đếm từng ngày, chờ được lấy mẫu xét nghiệm và tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh. Nếu ba lần âm tính, cô sẽ được chuyển về khu cách ly tập trung thêm hai tuần.
"Em mong ước từng ngày được trở lại bệnh viện để chia sẻ công việc với đồng nghiệp. Dù có khó khăn, đây sẽ là những ngày đáng nhớ nhất của những người làm nghề y. Khi cùng đoàn kết, chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh", Yến nói.
Trong ngày 31/7, cả nước ghi nhận thêm 82 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 546. Riêng Đà Nẵng 79 ca trong sáu ngày liên tiếp, trong đó 56 ca liên quan Bệnh viện Đà Nẵng, 4 ca Bệnh viện Phổi, 2 ca Bệnh viện Ung bướu, một ca Bệnh viện C, một ca Bệnh viện Giao thông Vận tải, 2 ca Trung tâm y tế Cẩm Lệ và 13 ca ngoài các khu dân cư.
Bình luận