Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại công văn 1248/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn số 3515 hướng dẫn một số vấn đề chuyển tiếp trong quá trình xử lý tài sản công như: Tạm dừng việc xem xét quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư từ 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT có hiệu lực thi hành.
Để xử lý chuyển tiếp trong thời gian một số văn bản chi tiết chưa được ký ban hành, Bộ này đã tạm dừng việc xem xét quyết định tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.
Theo nhiều chuyên gia, đề xuất này ngoài việc chờ Nghị định mới cũng là dịp để các địa phương án rà soát lại các dự án BT, đặc biệt là thời gian qua, việc triển khai các dự án BT có quá nhiều bất cập cần phải thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện.
Theo Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán 30 dự án BT từ trước tới nay cho thấy, có 27 dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng.
Đơn cử, tỉnh Hà Nam có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu hồ A1 (giáp bệnh viện Lao) và tuyến đường nối từ đường Trần Hưng Đạo với đường 42m thuộc quy hoạch khu đô thị Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, (xác định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chưa chính xác, Kiểm toán Nhà nước xác định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng trong giá trị hợp đồng BT giảm 11,3 tỷ đồng).
Video: Dự án treo 14 năm biến thành khu cướp giật
Xác định tổng mức đầu tư không chính xác có dự án công trình nút giao thông khác mức tại nút giao thông ngã ba Huế - thành phố Đà Nẵng; dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, thành phố Thái Bình đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến Quốc lộ 10; dự án Đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu nhà 5 tầng, tổ 39, 40, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình. Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Các chuyên gia đều cho rằng việc tạm dừng sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT là quyết định đúng.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XIV, cho rằng quyết định của Bộ Tài chính là việc lấp lỗ hổng các cách làm chưa phù hợp trước đó đã tạo ra hậu quả không tốt, không minh bạch việc sử dụng nguồn vốn đầu tư cũng như minh bạch đất đai đó.
"Tôi nghĩ điều này là cần thiết để xây dựng một cơ chế minh bạch hơn, một giải pháp phù hợp hơn", ông Cường nói.
Đổi đất lấy hạ tầng được coi là phương án tích cực giải quyết vấn đề hạ tầng. Bản chất BT là tốt, song khi thực hiện một số dự án đã đi sai hướng, không đúng với mục đích tốt đẹp ban đầu. Vì vậy, quyết định tạm dừng giao đất cho các dự án BT là để rà soát lại các dự án này, dự án nào tốt, dự án nào chưa tốt, nguyên nhân do đâu.
Một số luật sư cho rằng hình thức BT thời gian vừa qua bộc lộ nhiều bất cập, thiếu minh bạch, thiếu khách quan, thiếu hiệu quả, dễ dẫn đến những bức xúc và Chính phủ cũng cần chấn chỉnh kịp thời.
Hơn nữa, bản thân BT không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà nó còn gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc thi hành và đặc biệt trong việc xác định giá đất, thời điểm tính giá đất.
Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính chậm hơn Luật Quản lý thi hành sử dụng tài sản công hơn 8 tháng, đặc biệt là sau khi nhiều dự án BT mới vẫn được một số địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn như vậy đã dẫn đến nhiều khó khăn cho các địa phương quản lý và nhà đầu tư đã ký kết trước khi Luật Tài sản công ban hành.
>>> Đọc thêm: Bảo vệ chung cư chặn xe cấp cứu, bệnh nhân đột quỵ qua đời: Cho thôi việc nhân viên bảo vệ
Bình luận