Hôm nay (3/12), trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) bước sang ngày thứ 4 thu phí trở lại. Tuy nhiên, các tài xế vẫn kiên quyết phản đối khiến trạm phải liên tục đóng - xả cửa.
Các tài xế cho biết sẽ không “chịu thua” chủ đầu tư, bằng mọi cách sẽ tìm lại công bằng trong việc thu phí.
“Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng, vì sự công bằng, chúng tôi có thể nghỉ việc để chiến đấu với chủ trạm. Lần này, chúng tôi sẽ dùng chiến dịch tiền xu, chúng tôi đã đổi tiền xu ở Sài Gòn. Hôm nay 10 kg tiền xu được chuyển đến đây”, một tài xế đang túc trực gần khu vực trạm cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, lúc 14h30 ngày 3/12, trạm BOT Cai Lậy tiếp tục xả cửa. Lượng xe lưu thông qua trạm rất đông.
Trước đó, vào 0h cùng ngày, trạm BOT Cai Lậy xả cửa lần đầu tiên trong ngày. Sau khi xả trạm, việc thu phí diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, đến khoảng 6h, một số tài xế tiếp tục trả tiền lẻ, kéo dài thời gian thu phí khiến khu vực trạm xảy ra kẹt xe buộc nhà đầu tư xả trạm lần 2 trong ngày.
Theo phản ánh của người dân, từ sáng đến trưa, trạm liên tục đóng - xả cửa, cứ thu 5 phút lại xả.
Ở một diễn biến khác, theo ghi nhận của phóng viên VTC News, từ 7h ngày 3/12, toàn khu vực xung quanh trạm BOT Cai Lậy bị cúp điện, khiến phóng viên các báo đài khó khăn trong việc đưa tin. Người dân cho biết, việc cúp điện để sửa chữa một trụ điện bị hỏng.
Video: BOT Cai Lậy hỗn loạn thế nào?
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.
Sau hai tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở quốc lộ 1.
Các tài xế cho rằng, việc chủ đầu tư đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn tuyến đường tránh không hợp lý. Một số người khác thì cho rằng, phí thu tại trạm BOT này quá cao. Thậm chí, nhiều người còn mang heo quay ra “cúng trạm” và đập heo đất để lấy tiền trả phí.
Bình luận