Chiều 4/12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM chủ trì cuộc họp liên quan đến việc nhóm tài xế tập trung phản đối tại trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc vào tối 3/12.
Tham dự cuộc họp có đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI), Phòng CSGT, UBND quận Bình Tân và các phòng ban chuyên môn.
Tại cuộc họp, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư dự án) cho biết, khoảng 17 - 18h ngày 3/12, 6 tài xế lái xe chạy vào làn thu phí số 2, 6, 8, 10 (hướng từ An Sương – An Lạc) và làn 9, 7, 3, 5 không đồng ý mua vé qua trạm.
Các tài xế này viện dẫn 1 văn bản có nội dung: Hợp đồng giữa Bộ GTVT với Công ty IDICO-IDI cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương – An Lạc từ tháng 4/2004, thời gian phí kéo dài 145 tháng. Đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng, yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ trạm thu phí.
Vụ việc này khiến giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua trạm thu phí An Sương – An Lạc bị ùn tắc nghiêm trọng. Sau đó, Đội CSGT Phú Lâm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM và Công an quận Bình Tân có mặt ổn định tình hình, ổn định trật tự.
Đồng thời, chủ đầu tư đã ra giải thích cho các tài xế và xả trạm thu phí để tránh ùn tắc. Tuy nhiên, nhiều tài xế vẫn bức xúc không chấp nhận cách giải thích của chủ đầu tư đưa ra.
Trả lời với VTC News, ông Nguyễn Hồng Ninh – Giám đốc Công ty IDICO-IDI cho rằng tài xế đưa văn bản có sự hiểu nhầm về toàn bộ dự án BOT An Sương – An Lạc.
Dự án BOT đầu tư quốc lộ 1A đoạn An Sương đến An Lạc được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn số 392/CP-CN ngày 25/4/2000 và được điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 3536/BGTVT-KHĐT ngày 24/11/2003 của Bộ Giao thông vận tải.
Dự án bao gồm cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương đến An Lạc dài gần 14km, mở rộng 6 nút giao đồng mức và xây dựng 6 cầu mới trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng.
Công trình chính thức được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2004 và bắt đầu thu phí từ 2/1/2015 đến 31/1/2017. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến áp lực gia tăng lưu lượng giao thông trên toàn tuyến quá lớn.
Thực hiện chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nên trước khi kết thúc việc thu phí giai đoạn này, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO được Thủ tướng và cơ quan Nhà nước thẩm quyền cho phép tiếp tục đầu tư bổ sung vào hợp đồng BOT các hạng mục.
Cụ thể, đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỷ đồng, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng từ 30/8/2013.
Đầu tư bổ sung lần 2 công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng từ 31/12/2014.
Đầu tư bổ sung lần 3 công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng từ 17/5/2017. Tổng mức đã đầu tư đến nay là hơn 2.454 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư các hạng mục bổ sung nêu trên theo hợp đồng kéo dài từ 1/2/2017 đến 31/1/2033.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tám - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm, dự án BOT An Sương – An Lạc trước đây do Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện đầu tư và ký hợp đồng theo hình thức BOT.
Sau đó, Bộ Giao thông vận tải chuyển giao lại cho TP.HCM quản lý. Khi lưu lượng xe tăng lên, tình hình ùn tắc giao thông tại các tuyến đường như: Tỉnh lộ 10, Hương lộ 2, đường Trần Văn Giàu, nút giao thông Gò Mây… gia tăng nên nhà đầu tư đã đề xuất xây bổ sung các cầu vượt nằm trong dự án BOT An Sương – An Lạc.
Nội dung này đã được TP.HCM đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý cho triển khai thực hiện.
Liên quan đến vụ việc, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết có việc kêu gọi trên mạng xã hội để tham gia phản đối trạm BOT An Sương - An Lạc.
“Đề nghị công ty có báo cáo thông tin về tính pháp lý của dự án. Các thông tin pháp lý phải thông tin rõ ràng để tránh một số người xấu lôi kéo dích động”, vị đại diện UBND quận Bình Tân nói.
Bình luận