Video: Vụ xe container tông Innova lùi trên cao tốc xảy ra thế nào?
Liên quan bản án phúc thẩm phán quyết vụ xe đầu kéo tông ôtô Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên gây nhiều ý kiến trái chiều, TAND tỉnh Thái Nguyên đã gửi báo cáo đến TAND Tối cao sau khi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu đơn vị nghiệp vụ rút hồ sơ để xem xét.
Tiến sĩ - đại tá Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) chia sẻ quan điểm với PV về vụ án gây nhiều tranh cãi này.
Khó giám định tốc độ lùi của Innova
- Cơ quan chức năng có thể xác định được tốc độ lùi của xe Innova?
Cơ quan chuyên môn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn giám định chính xác tốc độ lùi của chiếc Innova trên cao tốc. Nếu không có thiết bị như hộp đen hoặc các số liệu liên quan thì rất khó, thậm chí không thể tìm ra vận tốc lùi của chiếc xe.
Trên thực tế, giới tài xế thường điều khiển lùi phương tiện không bao giờ đi nhanh, chỉ khoảng 5-10 km/h, ít khi lên đến trên 20 km/h. Thậm chí, lái xe càng chuyên nghiệp thì họ càng lùi chậm hơn để đảm bảo an toàn tối đa.
Trong vụ án này, tài xế Sơn lùi xe trong tình trạng đã sử dụng rượu bia. Do đó, rất khó để tính toán được người này đã lái xe ra sao. Tuy nhiên, tôi cho rằng tốc độ lùi của chiếc xe không đánh giá hết được bản chất vụ va chạm.
Ở đây, nếu có chỉ là vấn đề kỹ thuật và cần thiết phải thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn.
- Muốn xác định được vị trí đâm va ban đầu, cơ quan chức năng có thể dựa vào những căn cứ nào?
Cơ quan giám định hoàn toàn có khả năng xác định được địa điểm va chạm ban đầu của 2 phương tiện. Đó là một trong những nghiệp vụ cần thiết, quan trọng của công tác khám nghiệm hiện trường.
Đầu tiên, phải thu thập các dấu vết để lại như hiện trường. Tiếp đó, cần xác định vị trí nào trên phương tiện bị lực tác động mạnh nhất, tìm vết sơn của xe đầu kéo trên điểm va chạm với Innova và ngược lại. Từ đó, có thể định vị được điểm va đâm ban đầu.
Ngoài ra, cơ quan giám định cần nghiên cứu cơ chế hình thành vết trượt trên đường, thu thập các mẫu cao su của lốp xe để tìm ra tình trạng ban đầu của lốp.
Với vụ án này, sau khi va chạm, ôtô Innova bắt buộc phải bị dịch chuyển. Tuy nhiên, do xe bị đâm khi đang đi lùi nên phương tiện không thể tự tiến về phía trước, mà bị đẩy miết đi. Do đó, vết lốp ở các vị trí có thể đậm hoặc nhạt. Đây cũng là một trong những căn cứ để tìm ra điểm va chạm ban đầu.
Theo tôi, một trong những dấu vết hữu ích nhất trong vụ án này đó là các vết cao su trên đường. Công tác giám định nên tập trung vào các vết này.
-Khám nghiệm các vị trí nạn nhân tử vong có thể giúp giải mã thêm hiện trường không?
Khám nghiệm các vị trí, tư thế của nạn nhân sau va chạm cũng là căn cứ quan trọng để tìm ra sự thật của vụ tai nạn.
Nếu điểm va chạm lệch về bên nào của xe Innova thì số nạn nhân phía đó sẽ thiệt hại nhiều hơn. Do đó, có thể dựa vào yếu tố nạn nhân tử vong, bên phải hay bên trái để đưa ra kết luận.
Tôi cho rằng các tình tiết khám nghiệm điều tra nên được công khai để sự việc được rõ ràng hơn. Từ đó, khẳng định tỷ lệ vi phạm của mỗi tài xế ở mức độ nào mà có hình thức xử lý xác đáng.
Không làm chủ được tình huống bất ngờ
- Liệu có căn cứ để xác định chiếc xe đầu kéo phanh từ 62 km/h về 0 km/h chỉ trong vòng 1 giây?
Với một chiếc xe tải trọng lớn, chở theo hàng chục tấn thép thì rất vô lý để giảm tốc độ từ 62 km/h về 0 chỉ trong vòng 1 giây.
Với một chiếc xe tải trọng lớn, chở theo hàng chục tấn thép thì rất vô lý để giảm tốc độ từ 62 km/h về 0 chỉ trong vòng 1 giây.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng
Tôi ví dụ, với quán tính của xe đầu kéo container, việc giảm tốc độ từ 60 km/h về các mốc thấp hơn hoặc về 0 km/h, cần một khoảng thời gian và quãng đường ít nhất hàng chục mét.
Xe càng nặng thì quán tính càng lớn. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ tình tiết này, có thể tính toán để xác định xe đầu kéo do tài xế Hoàng điều khiển cần quãng đường bao nhiêu để dừng hẳn được phương tiện.
Ở đây, có thể đo đạc thêm chiếc Innova đã bị đẩy đi bao xa, tính từ điểm đâm va ban đầu.
- Tiến sĩ đánh giá gì về hành vi của tài xế Lê Ngọc Hoàng?
Trong vụ án này, người điều khiển ôtô 7 chỗ hoàn toàn đã vi phạm pháp luật giao thông, với các lỗi rõ ràng như đi ngược chiều cao tốc, sử dụng rượu bia, chở quá số người quy định.
Còn với tài xế Hoàng, tôi cho rằng khi còn cách Innova vài chục mét, anh ta đã phát hiện ra xe của đối phương. Lúc đó, có thể Hoàng bắt đầu giảm tốc độ bằng cách phanh từ từ.
Tuy nhiên, khi chỉ còn cách vài giây xử lý (với tốc độ 62 km/h thì mỗi giây khoảng hơn 10 m), tài xế xe đầu kéo thấy nguy hiểm nên giẫm chết phanh. Lúc đó, theo quán tính, đầu kéo và rơ moóc còn trôi thêm một đoạn dài, đã đâm vào ôtô còn lại.
Theo tôi, tài xế Lê Ngọc Hoàng khi lái xe đầu kéo chở hàng nặng đi trên đường cao tốc đã không phòng ngừa những sự cố xảy ra bất ngờ có thể xảy ra như thế.
Đây là sự kiện bất khả kháng đối với tài xế. Tôi cho rằng bản án 6 năm tù là quá nặng. Nếu quy kết Hoàng không làm chủ, thì đó là đã không làm chủ được tình huống bất ngờ.
Ngày 2/11, TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm, tuyên bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, ở Bắc Ninh, tài xế Innova) 9 năm tù, Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, quê Thái Bình, lái xe đầu kéo) 6 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Bản án gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến không đồng thuận với phán quyết của tòa phúc thẩm. Ngày 5/11, TAND Tối cao chỉ đạo đơn vị liên quan rút hồ sơ vụ án để xem xét.
Ngày 6/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ nghiên cứu hồ sơ, làm việc với các cơ quan tố tụng và mời thêm chuyên gia để xem xét vụ án.
Bình luận