Có tiếp thu, đổi mới
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng giáo sư nhà nước (HĐGSNN), ngành/liên ngành, cơ sở được công bố lần đầu (ngày 10/1), Bộ GD&ĐT dự kiến bãi bỏ điểm e khoản 3 Điều 7.
Cụ thể, không yêu cầu các thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước công khai thông tin, cùng với bản tóm tắt lý lịch khoa học của mỗi thành viên trên trang thông tin điện tử.
Dự thảo lần đầu vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Họ cho rằng đây là bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi ở Quyết định số 37.
Tiếp thu các ý kiến, trong lần này Ban soạn thảo dự thảo Thông tư sửa đổi khôi phục nội dung điểm e khoản 3 Điều 7. Nhưng thay vì yêu cầu công khai tóm tắt lý lịch khoa học của mỗi thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước, thì giờ Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu công khai lý lịch khoa học những người là ủy viên Hội đồng giáo sư nhà nước.
Giải thích rõ hơn, ông Trần Tuấn Anh, Chánh văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước cho biết, theo quy định hiện hành, thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước gồm 32 người, trong đó có 4 lãnh đạo Hội đồng (1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch) do Thủ tướng bổ nhiệm. Còn 28 ủy viên trong Hội đồng giáo sư nhà nước là do bầu.
Do đó, 4 lãnh đạo Hội đồng do Thủ tướng bổ nhiệm sẽ không phải công khai lý lịch khoa học, còn 28 uỷ viên gồm cả các Chủ tịch Hội đồng ngành, liên ngành đều phải công khai lý lịch khoa học theo quy định.
Có nên công khai lý lịch khoa học của lãnh đạo Hội đồng?
Đánh giá về lần sửa đổi này, GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc dự thảo khôi phục lại quy định bắt buộc công khai lý lịch khoa học với các thành viên trong Hội đồng Giáo sư nhà nước là điểm tiến bộ, biết lắng nghe đóng góp từ các chuyên gia.
Tuy nhiên, GS Dong thắc mắc: "Tại sao chỉ công khai lý lịch khoa học của 28 uỷ viên Hội đồng giáo sư nhà nước, còn 4 lãnh đạo hội đồng thì không. Phải chăng có điều gì đó chưa rõ ràng?”.
Theo giáo sư, khi một người có học vị giáo sư, được nhà nước trao quyền xét công nhận những người khác thì phải là người đặc biệt am hiểu và tường tận ngành có ứng viên xin được công nhận. Không thể nào để người chưa đủ năng lực chuyên môn lại đi xét, phong tặng danh hiệu cho người nhẽ ra giỏi hơn người trong hội đồng được.
“Riêng về vấn đề lý lịch khoa học phải minh bạch, không có vùng cấm và hoàn toàn thuần tuý như đúng ý nghĩa của nó", giáo sư Dong nói.
Một vị giáo sư khác cũng cho rằng, thực hiện theo Quyết định 37 thì nên tôn trọng chủ trương công khai, minh bạch đối với tất cả 32 thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước, chứ không chỉ có thành viên.
Chúng ta nên minh bạch, nếu thuyết phục ngay từ khâu chọn lãnh đạo thì trong quá trình xét, công nhận hoặc loại bỏ các ứng viên sẽ hoàn toàn phục; thay vì mỗi lần xét là một lần tranh cãi đủ hay không đủ tiêu chuẩn, vị này cho hay.
Trái ngược với quan điểm trên, chuyên gia giáo dục Trần Thu Hương cho rằng, quan trọng nhất là lý lịch khoa học của 28 uỷ viên trong Hội đồng giáo sư nhà nước và chủ tịch hội đồng ngành/liên ngành. Những người này sẽ tham gia vào quá trình xét duyệt, cần nắm bắt chuyên môn tốt và thực sự có uy tín trong ngành nghiên cứu.
Còn riêng với 4 chủ tịch/phó chủ tịch sẽ nắm bắt về mặt chủ trương, quản lý nhà nước, quản lý lộ trình làm việc chung của Hội đồng, chưa cần thiết công khai lý lịch khoa học.
Tuy nhiên, một khi quy định bắt buộc công khai lý lịch 28 uỷ viên hội đồng cần làm nghiêm túc và làm ngay. Tránh để tình trạng như năm 2019, hoàn thành việc phong học hàm, học vị cho các ứng viên, nhưng cho đến giờ các thành viên trong hội đồng tham gia xét công nhận ứng viên vẫn chưa thấy công khai lý lịch khoa học, PGS Hương nói.
Bình luận