Trưởng ban chiến lược VFF - ông Phạm Ngọc Viễn và Ủy viên VFF - ông Lê Văn Thành, công khai phản đối sự lựa chọn của HLV tạm quyền Mai Đức Chung cho đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao VFF công khai phản đối nhân sự trong danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia.
Hãy bỏ qua những sai sót thông tin về cầu thủ của HLV tạm quyền Đức Chung. Đơn giản vì từ cuối năm 2015 đến nay, vị HLV này đã dành hết thời gian cho bóng đá nữ, giúp đội tuyển nữ giành HCV SEA Games. Cũng vì thế dễ hiểu lý do ông gọi nhiều cầu thủ thân thuộc với mình khi đột ngột lãnh trách nhiệm với đội tuyển nam ngay sau SEA Games 29.
Điều đáng quan tâm nhất, là tại sao những lãnh đạo cấp cao của VFF lại phản đối, phản biện công khai và đầy mạnh mẽ sự lựa chọn của HLV đội tuyển, không phải lúc nào sao vào lúc này? Không phải những thời điểm trước mà lại sau khi U22 Việt Nam vừa thất bại cay đắng tại SEA Games 29?
Nhắc để nhớ, nhiệm kỳ VII VFF đang dần đi bước đến giai đoạn cuối (2014-2018), và nhiều khả năng sẽ bầu bán lại nhân sự vào khoảng giữa năm 2018. Nhiệm kỳ VII của VFF có thể nói đã là một thất bại nếu tính riêng với bóng đá nam 11 người - U23 và đội tuyển quốc gia, và phần nào đó là với bóng đá nữ - trận thua trước tuyển nữ Thái Lan giành play-off World Cup tại Asian Cup 2014 ngay trên sân Thống Nhất, những lùm xùm sau đó với các HLV đến từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhắc tới Nhật Bản, mục tiêu được nói đến nhiều ở nhiệm kỳ VII là việc hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật Bản. Nhưng chắc ai cũng đã biết, cựu HLV trưởng Toshiya Miura đã "cô đơn" như thế nào trước búa rìu dư luận khi dẫn dắt U23 và đội tuyển quốc gia. Ngay thời điểm đó, thời điểm HLV Miura tạo ra rất nhiều tranh cãi trong lựa chọn nhân sự, lựa chọn lối chơi, tại sao các cán bộ cấp cao VFF không phản biện?
Đó là chưa nói đến việc, bản thân ông Phạm Ngọc Viễn từng giữ chức cao ở Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF - đơn vị tổ chức, điều hành V-League, ông cũng từng chia sẻ là đã vạch ra nhiều chiến lược dài hơi cho bóng Việt Nam cho tới năm 2030 - trong ngày ông nhường ghế tổng giám đốc VPF lại cho ông Cao Văn Chóng.
Hỏi ngược lại ông Viễn, ông là người vạch ra chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, vậy tại sao đội tuyển thiếu trầm trọng vị trí trung phong suốt thời gian dài và rất nhiều lần để rồi giờ đây đội tuyển phải gọi lại tiền đạo bất đắt dĩ Mạc Hồng Quân - vị trí mà ông Viễn đã phản đối rất gay gắt?
Chính từ vụ việc này, thêm một lần nữa đặt câu hỏi rằng, HLV trưởng U23 và đội tuyển Việt Nam có được toàn quyền trong nhân sự và có nhận được những góp ý, thảo luận trước khi công bố danh sách hay không?
Hay mọi thứ được công bố rồi lại tranh cãi nhau, mà thật trùng hợp khi những phản biện đầy mạnh mẽ, lại vào đúng thời gian sau một thất bại ở mục tiêu lớn nhất năm nay và trước khi diễn ra các cuộc bầu bán nhân sự cho nhiệm kỳ mới của VFF?
Bình luận