Tại sao chỉ dùng cát sông khi xây dựng?

Chuyện bốn phươngThứ Hai, 11/12/2023 14:40:00 +07:00
(VTC News) -

Cát biển, cát sông, cát sa mạc… đều là cát tự nhiên, tại sao chỉ có cát sông mới dùng được cho xây dựng?

Cát là loại vật liệu thiết yếu trong ngành xây dựng; đặc biệt là khi xây nhà. Tuy nhiên, phần lớn cát dùng để xây dựng đều có nguồn gốc từ sông. Tại sao chỉ dùng cát sông khi xây dựng mà không dùng cát biển? 

Tại sao chỉ dùng cát sông khi xây dựng?

Theo The Hindu, cát biển và cát sa mạc có kích thước, hình dáng, thành phần không phù hợp làm vật liệu xây dựng do độ bền và khả năng chịu tải kém. Chúng hiếm khi đáp ứng các yêu cầu để làm vật liệu xây dựng công trình, đặc biệt ở tình trạng chưa qua xử lý.

Hạt cát sa mạc mịn và nhẵn nên bề mặt của nó không có đủ liên kết hóa học nhiều chiều. Nếu kích thước hạt cát quá nhỏ, vữa trộn sẽ trơn trượt, kém bền. Ở trạng thái khô, liên kết giữa các hạt cát đem lại khả năng chịu tải khá lớn nhưng khi ướt, liên kết sẽ yếu đi và đứt gãy, lớp cát sẽ sụp xuống.

Hạt cát biển ngoài đặc điểm tròn và rất mịn thì còn chứa nhiều clo từ muối. Chất này gây xói mòn sắt thép, giảm tuổi thọ công trình. Muối trong cát biển cũng hấp thụ độ ẩm từ không khí, gây ẩm ướt cho công trình.

Trong khi đó, cát sông hạt chắc, sắc cạnh, không mặn và không có chất ăn mòn, tạo độ vững chắc và an toàn cho công trình xây dựng. Đây là lý do tại sao người ta chỉ dùng cát sông khi xây dựng từ hàng ngàn năm nay.

Tại sao chỉ dùng cát sông khi xây dựng? Bởi vì đặc điểm của cát sông tạo độ vững chắc và an toàn cho công trình xây dựng. (Ảnh: Cosmos Magazine)

Tại sao chỉ dùng cát sông khi xây dựng? Bởi vì đặc điểm của cát sông tạo độ vững chắc và an toàn cho công trình xây dựng. (Ảnh: Cosmos Magazine)

Trên báo VnExpress, ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải thích: “Cát sông và cát biển đều có nguồn gốc phong hóa giống nhau từ các đá trong lục địa, có chung thành phần khoáng vật chính (khoáng vật thạch anh). Tuy nhiên, cát biển trước nay ít được chọn làm vật liệu xây dựng do hạt nhỏ, mịn, kèm theo lượng mùn, sét nhiều hơn cát sông.

Cát biển thường chứa vụn sinh vật biển và đặc biệt bị nhiễm mặn. Còn cát sông thô hơn, hạt đa dạng, sắc cạnh, rất phù hợp cho các công trình xây dựng mà không cần qua quá trình xử lý. Ngoài ra, một lý do nữa khiến cát biển chưa được sử dụng nhiều trong xây dựng là có một số thành phần hóa học có hại, gây ăn mòn kim loại như SiO3 cao hơn nhiều so với cát sông”.

Những loại cát thường dùng trong xây dựng

- Cát vàng: Đây là loại cát phổ biến được dùng để đổ bê tông tươi, có màu vàng đặc trưng. Việc sử dụng loại cát này làm cho bê tông nhanh cứng. Nếu muốn bê tông đạt chất lượng tốt nhất, cần sàng cát sạch sẽ và chia tỷ lệ thích hợp trước khi trộn.

Đôi khi cát vàng còn được dùng để trát tường, nhưng nhược điểm của loại cát này là làm cho tường không được láng mịn nên nó ít được sử dụng vào mục đích này.

Cát vàng thường được dùng để đổ bê tông tươi bởi nó giúp bê tông nhanh cứng. (Ảnh: Popular Mechanics)

Cát vàng thường được dùng để đổ bê tông tươi bởi nó giúp bê tông nhanh cứng. (Ảnh: Popular Mechanics)

- Cát đen: Hạt cát có màu sẫm, gần giống với màu đen. Khác với cát vàng, loại cát này có hạt nhỏ và khá mịn, không lẫn tạp chất, giá thành rẻ hơn nhiều so với cát vàng nên được sử dụng rộng rãi trong xây cất các biệt thự, tòa cao ốc hay các công trình dân dụng.

- Cát lấp: Đây cũng là loại cát đen nhưng kích cỡ hạt không giống nhau, thường có màu xám và rất hay lẫn tạp chất nên chất lượng không bằng hai loại cát nói trên. Cát lấp thường được sử dụng làm phần nền và móng nhà do giá thành khá rẻ, rẻ hơn nhiều so với cát vàng và cát đen.

Nguyệt Ánh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn