Thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc Bộ đã và đang bước vào đợt cao điểm của mưa phùn, độ ẩm tăng hơn 90%. Sự thay đổi của thời tiết khiến số bệnh nhân đến nhập viện ở BV Lão khoa trung ương tăng 150% so với thời điểm trước Tết.
“Chúng tôi vừa cấp cứu một trường hợp người cao tuổi, 83 tuổi ở Hà Nội nhưng đáng tiếc là không thể lấy lại sự sống cho người bệnh. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, sốt, tức ngực từ trước nhưng gia đình tự ý mua thuốc về nhà cho cụ uống, sau khi dùng không những không hết sốt mà còn khó thở nhiều hơn. Vào đến đây thì bệnh nhân đã thở ngáp, mặc dù cấp cứu xong tim đập trở lại nhưng vì bệnh nền thêm yếu tố cao tuổi nên vẫn không thể cứu được. Bệnh nhân đã tử vong” – TS.BS Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, BV Lão khoa trung ương cho biết.
Thời gian gần đây, khoa Cấp cứu và đột quỵ, BV Lão khoa trung ương tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân cấp cứu/ngày, thậm chí có những ngày số bệnh nhân phải nhập viện lên đến 20 người. Trong đó khoảng 70% bệnh nhân bị viêm phổi và bệnh lý thần kinh trung ương, ngoài ra còn có các bệnh về ổ bụng, tiết niệu.
Theo TS.BS Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, tình trạng bệnh nhân nhập viện tăng lên sau Tết cũng giống như mọi năm nhưng năm nay khác biệt là diễn biến bệnh nặng tăng.
“Dịch bệnh COVID-19 dù kết thúc nhưng nó vẫn tác động để lại hậu quả cho người cao tuổi đó là di chứng về tâm lý, thần kinh, tổn thương phổi, thúc đẩy các bệnh nền trở nên phức tạp hơn nên khi đã bị nhiễm trùng thì dễ dẫn đến biến chứng” – TS.BS Trần Quang Thắng phân tích.
Điển hình như trường hợp bà Hoàng Thị Thìn, 80 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội. Bà bị sốt từ hôm mùng 4 Tết nhưng gia đình chỉ nghĩ rằng ốm thông thường nên không đưa đến bệnh viện khám, đến khi bà xuất hiện tình trạng lờ đờ, nhận thức kém mới đưa đi cấp cứu.
“Từ mùng 4 đến nay thì bà sốt, kêu khó chịu suốt, gia đình thuê bác sĩ về nhà tiêm hạ sốt cho bà. Bà đỡ song được một vài hôm lại sốt lại. Bà cũng chỉ ho húng hắng thôi nên không nghĩ là bị viêm phổi. Bác sĩ ở nhà điều trị mãi không đỡ thì bảo thôi cho lên tuyến trên”, chị Vũ Thị Mận – con gái bà Thìn cho biết.
Về nguyên nhân khiến nhóm người cao tuổi dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, TS.BS Trần Quang Thắng lý giải, do thời tiết nồm ẩm kéo dài, nhiệt độ thấp khiến cho các loại vi khuẩn, virus… phát triển trong khi sức đề kháng của nhóm người này bị suy giảm.
“Ở người cao tuổi, quá trình lão hóa làm họ thay đổi theo hướng tiêu cực. Hệ thống da thay đổi làm cho khi thời tiết lạnh, mạch máu dưới da không thể giữ ấm được, thứ hai là mũi, hệ thống bó mạch ở mũi bắt đầu suy giảm và có tổn thương về vi mạch, máu khó có thể lên được mũi nên khi không khí ẩm mang theo vi khuẩn xâm nhập vào mũi thì sẽ đi vào trong phổi nên dễ bị viêm đường hô hấp trên, viêm phổi”- BS Thắng nói.
Thời tiết nồm ẩm còn kéo dài, để phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, người cao tuổi nên đóng cửa, tránh không khí tràn vào nhà, bật điều hòa và máy hút ẩm để duy trì điều kiện môi trường ở mức nền nhiệt vừa phải. Người cao tuổi nên theo dõi sức khỏe định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền, tránh biến chứng khi mắc bệnh và nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho cơ thể…
Đối với người cao tuổi đã mắc bệnh lý nền thì dù chỉ dấu hiệu nhỏ như ho, sốt, khạc đờm tăng lên là đã phải đến bệnh viện khám và điều trị ngay. Bệnh nhân đến bệnh viện sớm thì tiên lượng và kết quả của quá trình điều trị sẽ có sự khác biệt so với những bệnh nhân có triệu chứng nhưng lại vì lý do nào đó mà không đến bệnh viện.
Bình luận