Chúng ta đã nghe nhiều về việc tai nghe có thể dẫn đến ung thư. Nhưng nguyên nhân và cách gây bệnh của sản phẩm này thì lại không được bàn đến một cách chi tiết. Điều đó dẫn đến một số quan niệm sai lầm phổ biến về mối liên hệ thật sự giữa các thiết bị như tai nghe đối với sức khỏe con người.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, bên cạnh những lợi ích đối với cuộc sống hiện đại thì các thiết bị điện tử như điện thoại di động, laptop, máy tính bàn… cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Các chuyên gia trên khắp thế giới khuyên mọi người nên sử dụng công nghệ và các tiện ích một cách có trách nhiệm để phòng tránh hoặc giảm nguy cơ gây bệnh. Trong cuộc cách mạng công nghệ, thứ khiến nhiều người quan tâm nhất chính là điện thoại di động. Bạn đang đau đầu? Chắc chắn rằng mẹ bạn sẽ nói rằng đó là do sử dụng điện thoại di động.
Bạn đau bụng? Chắc chắn cũng là do sử dụng điện thoại di động chứ không phải nguyên nhân khác. Sau điện thoại di động, một sản phẩm khác được liệt vào danh sách những thứ gây hại đối với sức khỏe con người - tai nghe.
Mối liên hệ giữa tai nghe và ung thư là gì?
Đã có một số tuyên bố và thậm chí là các báo cáo cho thấy việc sử dụng tai nghe liên tục, đặc biệt là tai nghe Bluetooth, AirPods và tai nghe trong, có thể không tốt cho não bộ, thậm chí dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, sự thật có phải là như vậy?
Một số báo cáo cho rằng, bức xạ điện từ (EMR) do AirPods và tai nghe Bluetooth tạo ra trong ống tai của bạn có thể gây ra tổn thương tế bào và tạo thành khối u. Nhiều nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng thiết bị Bluetooth liên tục trong thời kỳ mang thai có thể gây ra những tác hại, bao gồm nguy cơ sảy thai cao hơn bình thường và phụ nữ sinh con ra bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Vào năm 2015, lần đầu xuất hiện tin đồn rằng tai nghe không dây có thể gây ung thư. Tai nghe Bluetooth không dây đầu tiên được phát hành vào năm 2004. Nhưng đến 11 năm sau thì các giả định về tác hại của sản phẩm này mới bắt đầu, cho thấy rằng những tin đồn trên là thiếu tính xác thực.
Năm 2015, hơn 200 nhà khoa học trên toàn cầu đã viết thư cho Tổ chức Y tế Thế giới và Liên hợp quốc để thiết lập các hướng dẫn quốc tế về bức xạ điện từ. Trong thư nêu rõ, một số nghiên cứu phát hiện rằng mức bức xạ thấp hơn mức bức xạ phát ra từ các thiết bị Bluetooth có thể làm tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
Sau đó, vào năm 2019, những cáo buộc rằng AirPods có thể gây ung thư bắt đầu được đưa ra. Người ta tuyên bố rằng, bức xạ được tạo ra bởi những phát minh không dây này có thể làm hỏng các tế bào não, thậm chí góp phần gây mất thính lực.
Các nghiên cứu nói gì?
Các nghiên cứu cho thấy rằng, bức xạ gây ra bởi các thiết bị không dây như tai nghe Bluetooth hoặc AirPods thấp hơn nhiều so với các dạng bức xạ như điện thoại di động, tia X hoặc tia cực tím.
Bức xạ được tạo ra bởi các thiết bị không dây được gọi là bức xạ không ion hóa, tức là bức xạ cực kỳ yếu và không thể gây ra hoặc kích hoạt bất kỳ bệnh hoặc vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, chẳng hạn như ung thư. Theo đó, lượng bức xạ trong tai nghe Bluetooth thấp hơn bức xạ điện thoại từ 10 đến 400 lần.
Lưu ý rằng, các chuyên gia cho biết việc sử dụng tai nghe Bluetooth trong thời gian dài, do tai nghe ở gần não bộ nên các bức xạ điện từ do điện thoại di động và thiết bị Bluetooth phát ra có khả năng gây ung thư (điều này đã được giải thích bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế).
Bức xạ từ các thiết bị Bluetooth là cực kỳ thấp. Do vậy, yếu tố rủi ro chỉ xảy ra khi một cá nhân tiếp xúc trực tiếp với chúng trong thời gian dài với cường độ cao.
Phòng hơn chống
Mặc dù không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng thiết bị Bluetooth và bệnh ung thư nhưng các chuyên gia khuyến cáo rằng, những người sử dụng thiết bị Bluetooth nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhỏ để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
- Giữ điện thoại di động cách xa mặt ít nhất 25cm.
- Nếu thời lượng cuộc gọi điện thoại di động dài, hãy sử dụng loa ngoài.
- Chỉ sử dụng điện thoại di động khi có cường độ tín hiệu tốt vì khả năng thu sóng kém hoặc phạm vi thấp sẽ phát ra nhiều bức xạ hơn.
- Khi mua thiết bị Bluetooth, hãy mua các sản phẩm chất lượng từ các thương hiệu đáng tin cậy.
- Tránh sử dụng AirPods hoặc tai nghe suốt cả ngày. Nếu bạn đang ở nhà, hãy nghe nhạc qua loa ngoài.
- Không ngủ cùng các thiết bị điện tử trên giường.
- Tháo thiết bị không dây khỏi tai hoặc đầu khi không sử dụng.
Sử dụng các thiết bị Bluetooth như tai nghe sẽ không khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng trong thời gian dài có thể giảm thính giác và gây đau đầu ở một số người. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu xem việc sử dụng lâu dài các thiết bị Bluetooth có thể gây ung thư hay không.
Bình luận