(VTC News) - Tai nạn xe máy có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua trên các tuyến quốc lộ, khu vực nông thôn và nạn nhân đều là những người trẻ tuổi.
Ngày 17/6, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký Văn bản đề nghị các Cơ quan thành viên và Ban an toàn giao thông tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp giảm tai nạn xe mô tô, xe gắn máy.
Một vụ tai nạn xe máy xảy ra tại Hà Nội |
Theo đó, vừa qua tình hình tai nạn xe mô tô có chiều hướng gia tăng trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn, thời gian xảy ra nhiều nhất từ 18 giờ đến 24 giờ, nạn nhân tai nạn phần lớn là những người trẻ tuổi.
Văn bản nêu rõ vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra lúc 23h10 đêm 14/6/2014 tại km 46 + 118 trên tuyến QL2 thuộc địa bàn xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang giữa xe mô tô BKS 23D1 – 01422 (trên xe chở 4 người) đi từ hướng Tuyên Quang - Hà Giang đã đâm vào chiếc xe ô tô tải IFA, BKS 23T - 2381 chạy hướng ngược lại. Hậu quả làm 4 người trên xe mô tô tử vong tại chỗ.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người điều khiển xe mô tô BKS 23D1 – 01422 đi không đúng phần đường gây tai nạn.
Bộ giao thông vận tải nhận định, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chủ yếu là do người điều khiển xe mô tô chưa chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ, vi phạm quy định tốc độ, xe chở 3 chở 4 người, say rượu, bia, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe, không đội MBH hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy; thiếu ý thức tự bảo vệ mình và người tham gia giao thông khác.
Để ngặn chặn tình trạng tai nạn xe mô tô, xe gắn máy gia tăng, Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia đề nghị các Cơ quan thành viên và Ban an toàn giao thông tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, cần tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, hiểm họa tại nạn xe mô tô, xe gắn máy, nhất là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn (từ 18 giờ đến 24 giờ); các biện pháp phòng tránh, hạn chế tại nạn xe mô tô, xe gắn máy; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
Các Cơ quan thành viên và Ban an toàn giao thông tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2 theo đúng quy định của Bộ giao thông vận tải, bảo đảm chất lượng sát hạch lái xe; kiên quyết xử lý những tổ chức cá nhân sai phạm.
Đồng thời thông báo số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, tập trung vào các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như: Chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, uống rượu bia điều khiển phương tiện; người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm.
Các Tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ: tuân thủ quy tắc giao thông, đội MBH, điều khiển xe mô tô đi đúng phần đường, làn đường, không vượt quá tốc độ quy định, giảm tốc độ khi từ đường phụ ra đường chính, không vi phạm quy định về nồng độ cồn, xe mô tô không chở ba, bốn người.
Hoàng Chiến
Bình luận