Ngày 22/6, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dung Quất cho hay đơn vị đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap) tái khởi động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất.
Theo lãnh đạo Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR-BF), phương án hợp tác để khởi động vận hành lại Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất đã được các cổ đông thống nhất chủ trương tại đại hội đồng cổ đông.
Tổng kiểm tra nhà máy trước khi vận hành trở lại
Cụ thể, đại hội đồng cổ đông công ty đã thông qua nội dung dự thảo hợp đồng hợp tác gia công sản phẩm giữa BSR - BF với Công ty CP Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap), và đã ký hợp đồng hợp tác giữa tháng 6 vừa qua.
Do nhà máy Bio Ethanol dừng hoạt động ba năm qua nên các chuyên gia, kỹ sư đang tổng kiểm tra, bảo dưỡng để bảo đảm thông số kỹ thuật các dây chuyền thiết bị, phân xưởng trước khi đưa vào vận hành trở lại.
Theo hợp đồng ký kết, BSR - BF là đơn vị nhận chế biến sản phẩm chính là Ethanol từ nguyên liệu do Tocontap cung cấp. Hợp đồng này có thời hạn là 10 năm kể từ ngày ký, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm. Trong vòng 12 tháng đầu, phía Tocontap cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm Ethanol.
Hiện BSR - BF đã hoàn chỉnh hồ sơ về kế hoạch triển khai bảo dưỡng, sửa chữa gửi cho phía đối tác Tocontap. Cụ thể năm 2018, BSR - BF sẽ sản xuất khoảng 7.000 m3 Ethanol cung ứng cho Tocontap và số lượng 35.000 m3 còn lại như đã ký trong hợp đồng sẽ sản xuất vào năm 2019.
Cải hoán hệ thống xử lý nước thải
Trước đó, ngày 21/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký văn bản cho phép BSR- BF thay đổi, cải hoán hệ thống xử lý nước thải nhà máy Bio - Ethanol Dung Quất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn môi trường trước khi khởi động trở lại.
Trong đó, đơn vị này đầu tư bổ sung hồ xử lý kỵ khí Cigar (công suất 80.000 - 100.000 m3) nhằm nâng hiệu quả xử lý TSS và COD của hệ thống xử lý sinh học kỵ khí; cải hoán hệ thống xử lý hiện hữu, bổ sung bể xử lý bằng công nghệ thiếu khí (công suất dự tính 1.000 - 2.500 m3) nhằm nâng cao hiệu quả xử lý N, p.
Trước đó, tháng 12/2017, Bộ Công Thương từng thông tin về việc khôi phục nhà máy nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương, vào quý I/2018.
Tháng 9/2009, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất được khởi công với tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế 100 triệu lít Ethanol mỗi năm, đưa vào vận hành thương mại vào tháng 2/2012. Thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động, nhà máy không phát huy hiệu quả, thua lỗ kéo dài gây lãng phí lớn.
Thua lỗ kéo dài
Các chuyên gia phân tích nguyên nhân thua lỗ là do giá bán Ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng.
Nhà máy buộc phải "đóng cửa" từ tháng 4/2015 nhưng đơn vị vẫn đều đặn trả lương hàng tháng cho gần 220 kỹ sư, công nhân.
Đến tháng 3/2016, khi chi tiêu hết nguồn vốn đầu tư lưu động, doanh nghiệp này tạm dừng trả lương cho người lao động. Năm 2016, dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại PVCombank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng. Chỉ riêng tại Quảng Ngãi, mỗi năm doanh nghiệp phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh này khoảng 70 tỷ đồng (lãi suất ưu đãi doanh nghiệp đầu tư 7% mỗi năm). Khoản vay này đã bị chuyển sang nợ nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) trong quý IV/2015, do chủ đầu tư không còn nguồn thanh toán.
Video: Xăng E5 có gây hỏng xe?
Bình luận