• Zalo

Tài của 'siêu lừa' Huyền Như: Một buổi gặp, huy động 2.500 tỷ

Pháp luậtChủ Nhật, 19/01/2014 07:00:00 +07:00Google News

Mặc dù đứng trong vành móng ngựa, bị sếp đẩy vào đường tù tội, nhưng "cấp dưới" của Huyền Như đều gọi "chị" xưng "em".

Họ cũng cho biết, siêu lừa từng là cán bộ ngân hàng chuẩn mực, được nhiều người ngưỡng mộ, tôn trọng. Đến khi bị bắt, họ vẫn không thể ngờ con người ấy lại nỡ lừa cả chính "cấp dưới" của mình.
 

Cùng nhau "chết" vì "sếp mẫu mực"


Trong phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng quản lý rủi ro, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank) và 22 đồng phạm, HĐXX đã xét hỏi tất cả các bị cáo, trong đó, có không ít là nhân viên của ngân hàng Vietinbank và làm việc "dưới trướng" của "siêu lừa". Các bị cáo này bị truy tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Điều đáng nói, các bị cáo này đều khai nhận Như là cán bộ mẫu mực, có uy tín.

Bị cáo Tống Nguyên Dũng (SN 1987, nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết, vừa mới ra trường đã được Vietinbank nhận vào làm việc. Do đó, khi được "sếp" Như quan tâm thì rất mừng. Ngay từ khi mới vào làm việc, cũng như trong khoảng thời gian tiếp xúc, Dũng nhận thấy Như là một trưởng phòng giỏi về nghiệp vụ lại quán xuyến, thu hút được rất nhiều ngân hàng nên tỏ ra ngưỡng mộ.

Dũng là nhân viên tín dụng, thẩm định hồ sơ và đề xuất cho vay. Tuy nhiên, nhiều khách hàng được Như "dẫn mối", đưa hồ sơ nhưng không được gặp mặt. Mỗi lần đưa hồ sơ đều thiếu chữ ký, Như lại bảo mình đã tiếp xúc với khách hàng rồi, đây là khách hàng quan trọng của phòng. Sau khi Dũng xét duyệt thì Như sẽ trực tiếp đi gặp khách hàng để lấy chữ ký.

Dũng thừa nhận: "Theo quy định, bị cáo là người tiếp xúc khách hàng, nhưng khi nghe trưởng phòng bảo là khách hàng của mình, lại có đủ điều kiện, nên bị cáo mới đề xuất cho vay. Tất cả mọi chuyện đều vì bị cáo quá tin tưởng lãnh đạo, không lường hết được rủi ro". Ngoài ra, Dũng khai: "Bị cáo bị oan. Bị cáo không thể ngờ, chị Như lại rắp tâm lừa đảo ngay chính nhân viên của mình".
Huyền Như, lừa đảo, ngân hàng, xét xử, tham nhũng, Vietinbank

Mỗi ngày đến tòa, siêu lừa Huyền Như đều mặc một chiếc áo khác nhau rất phong cách. 

Bị cáo Bùi Ngọc Quyên (SN 1981, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ) từng bị Như dùng tên để ra tận Hà Nội giao dịch, bật khóc cho biết: "Từ trước đến nay, chị Như là người khiến bị cáo và nhiều nhân viên khác trong ngân hàng phải tôn trọng. Chị Như là một trong những nhân viên có nguồn khách hàng lớn, vay nhiều tiền. Bị cáo từng cảm thấy may mắn khi được làm việc dưới trướng của một sếp mẫu mực...".

Bên cạnh đó, với uy tín gây dựng được, Như đã che mắt tất cả cấp dưới. "Bị cáo không ngờ chị Như lại lừa đảo số tiền lớn đến mấy nghìn tỷ đồng. Cũng bởi vì tin tưởng chị ấy mà bây giờ bị cáo phải đứng trong vành móng ngựa. Bị cáo mong HĐXX xem xét...".
 

Bị cáo Trần Thanh Thanh (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết, mình sai phạm ngay trong ngày đầu tiếp nhận chức vụ từ người tiền nhiệm là Huyền Như. Thanh thực hiện giải ngân 6 hợp đồng tổng giá trị là 25 tỷ đồng đảm bảo bằng 5 sổ tiết kiệm trị giá 26 tỷ đồng. Bị cáo thừa nhận chấp thuận cho vay khi không có khách hàng trực tiếp đến ký. Thanh lý giải: "Ngay trong ngày đầu nhận chức, bị cáo tin tưởng chị Như vì có mối quan hệ rộng, có nhiều khách hàng, nếu không giải quyết nhanh thì có thể mất khách hàng, mất nguồn vốn, giảm chi tiêu".

Một buổi gặp, huy động 2.500 tỷ đồng!


Trong suốt những ngày qua, Huyền Như đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình đã gây ra. Như cho biết, ban đầu, mình sử dụng 50 tỷ của gia đình để tham gia kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Khi tiền lời mỗi ngày một tăng cao, Như đã vay 200 tỷ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân để tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, về sau, thị trường bất động sản "đứng", Như rơi vào vòng vây của lãi vay tín dụng đen. Do đó, Như đã dùng danh nghĩa của mình để lừa đảo hàng loạt người khác với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
 

Như khai, do không có tiền trả nợ nên bị chủ nợ là Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thiên Lý dọa đánh "vỡ mặt" và sẽ đến tận cơ quan "tố". Do sợ ảnh hưởng đến uy tín của gia đình, cũng như mất danh dự của mình, Như đành "làm liều" vay nặng lãi của nhiều người khác. Thậm chí, có khi Như chấp thuận lãi suất hơn 100% mỗi năm.

Khi được hỏi, tại sao lại không chấp thuận phá sản mà lại phải để tình trạng nợ nần ngập đầu như thế? Như lặng người: "Bị cáo nghĩ mình sẽ kinh doanh việc khác, kiếm được tiền thì trả nợ. Không ngờ, việc kinh doanh ngày càng khó khăn nên bị cáo càng nợ nần nhiều hơn".

Điều đáng nói, Như cho biết, mình không dùng quá nhiều chiêu để lừa đảo "con mồi" mà chủ yếu tăng lãi suất cao, đánh vào lòng tham. Cũng chỉ với chiêu thức này, bị cáo đã huy động được số tiền khủng và chỉ chấp thuận số tiền thấp nhất là vài tỷ đồng.

Có lẽ, trong rất nhiều phi vụ lừa đảo Như đã "tung chiêu" lần huy động vốn đối với ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên là lớn nhất. Qua một số người, Như được biết, ba công ty này đang có tiền cần gửi ngân hàng. "Ngửi" được mùi tiền, Như biết Võ Anh Tuấn (lúc đó là Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đã đến một quán ở Thủ đô Hà Nội gặp giám đốc ba công ty ở đây.


Trong buổi gặp, Như tự xưng là Bùi Ngọc Quyên, phó trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Ngay sau dó, Tuấn cho Như biết mình từ chối ba công ty này là khách hàng. Tuy nhiên, Như lẳng lặng liên hệ với ba vị giám đốc, làm hợp đồng, giả chữ ký của Tuấn. Chỉ sau một lần đàm phán đó, Như đã huy động số tiền "khủng" lên đến 2.500 tỷ đồng.

Hạnh phúc vỡ tan vì đem tiền đi gửi


Trong vụ án này, không chỉ các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức mà còn rất nhiều người dân bị Như lừa. Bà Lê Thị Kim Tuyến cho biết, do có nhu cầu mua nhà mới nên đã bán căn nhà cũ được 7 tỷ đồng. Ban đầu, bà có ý định cất giữ tiền tại nhà. Tuy nhiên, với tình hình cướp giật, trộm ngày một gia tăng nên suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, bà cho rằng, với số tiền lớn để trong nhà không an tâm, vả lại, nếu đem đi gửi ngân hàng thì sẽ có thêm một số lãi lớn. Một công đôi việc, bà đem tiền đến gửi vào ngân hàng Vietinbank với thời hạn một tháng.

Tuy nhiên, số tiền nằm gọn trong ngân hàng chỉ mới được một tuần thì bà Tuyến phát hiện có nhiều điều bất thường. Lúc này, Võ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè) bị bắt. Ngay tức khắc, bà tìm đến đại diện Vietinbank để xem xét hướng giải quyết. Lúc này, đại diện phía ngân hàng an ủi, số tiền 7 tỷ đồng sẽ không bị mất và khuyên nên đến công an trình báo. Như lời khuyên, bà đã đến công an khai báo về số tiền mình đã gửi tại ngân hàng này. Khi vụ án xảy ra, bà đã khởi kiện ngân hàng Vietinbank vì cho rằng, tiền mình gửi tại đây thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Bà Tuyến cho biết, từ khi mất 7 tỷ đồng, gia đình hiếm khi được bình an. Hầu hết gia sản "không cánh mà bay" đã khiến mọi người trong gia đình thường xuyên xảy ra xích mích. Cũng vì chuyện này, giữa bà và chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được nên đã ly hôn gần năm nay. Bà không thể ngờ, chỉ vì "tiếc" một ít tiền lời mà phải mất toàn bộ số tiền đang có.

Do số tiền mua nhà đã mất, nên giờ bà Tuyến cùng người thân phải đi ở thuê. Điều bà mong muốn nhất hiện nay là phía tòa án xử nhanh, có phán quyết cuối cùng để mình có tiền bồi thường mua lại căn nhà mới. Mặc dù nói vậy, nhưng dường như con đường tìm lại tài sản của người phụ nữ này sẽ có lắm gian nan.

Có mặt tại phiên tòa, cũng có khá nhiều bị hại là cá nhân được mời đến với tư cách nguyên đơn dân sự. Không ít người trong số đó từ Thủ đô Hà Nội đã vào TP.HCM với mong muốn phần bồi thường dân sự sẽ được HĐXX nhìn nhận thấu đáo, để họ có thể lấy lại phần tiền mình đã tin tưởng "gửi vào ngân hàng" thông qua những chiêu lừa của Huyền Như.    
Bình luận
vtcnews.vn