Ngày 25/10, Lễ trao Giải báo chí về "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương" đã được tổ chức tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội) nhằm vinh danh các tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Đối với cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển”, Ban tổ chức trao giải Nhất cho tác phẩm “Plastic” của tác giả Winniwat Traitongtanarat (Thái Lan).
Tác giả Winniwat Traitongtanarat, đến từ Thái Lan cho biết đến cuộc thi "Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển" thông qua Hiệp hội nhiếp ảnh Hoàng gia Thái Lan.
Bức ảnh anh Winniwat Traitongtanarat chụp là cảnh biển đảo Samae San hay còn gọi là đảo vịt tỉnh Chonburi. Đây là một trong những điểm du lịch của tỉnh.
Khách du lịch đi tàu từ bờ khoảng nửa giờ là tới đảo. Mặc dù có tên là đảo vịt nhưng ở đây không có vịt mà có những đàn khỉ sinh sống lên đến hàng trăm con.
“Khách du lịch thường mang những túi hoa quả cho lũ khỉ ăn như dưa hấu, chuối… Đây là điều khá tốt đối với lũ khỉ tuy nhiên việc này cũng khiến cho biển ngày càng ô nhiễm hơn do lượng túi bóng đựng hoa quả trôi nổi trên biển qua thời gian ngày càng nhiều. Chúng rất khó bị phân huỷ.
Do đó tôi mong muốn mọi người khi mang hoa quả đến có thể ném xuống biển, lũ khỉ sẽ tự vớt lên ăn, mặc dù là khỉ nhưng chúng cũng có thể lặn xuống đáy biển để vớt lấy ăn. Không nên vứt cả túi bóng bên trong đựng thức ăn xuống biển. Đó là một cách làm hại môi trường biển”, anh Winniwat Traitongtanarat chia sẻ.
Qua tác phẩm của mình, anh Winniwat Traitongtanarat muốn gửi thông điệp giản dị về bảo vệ môi trường đến những khách du lịch khi đến tham quan nơi đây.
Do bận công việc nên không thể đến Hà nội để nhận giải lần này vì bận chút việc.
“Xin cám ơn cuộc thi rất có ý nghĩa này. Cuối cùng xin cảm ơn đất nước Việt Nam, chúc cho môi trường biển ở Việt Nam ngày càng sạch hơn, rác thải nhựa ngày càng ít đi và sẽ không còn xuất hiện ở biển Việt Nam”, tác giả Winniwat Traitongtanarat chia sẻ.
Đây là năm thứ 2 Báo điện tử VTC News chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP-Việt Nam) tổ chức Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” với chủ đề “Hành động vì đại dương không rác thải nhựa”.
Sau 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm báo chí từ 19 tỉnh thành, 70 cơ quan báo và tạp chí, 145 tác giả, nhóm tác giả. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi ảnh “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” cũng nhận được hơn 7.500 tác phẩm ảnh với hơn 2.700 tác giả từ 4 nước ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Campuchia). Trong đó có nhiều tác phẩm của các cháu học sinh tiểu học, trung học cơ sở tham gia.
Nhiều tác phẩm báo chí được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, E-magazine, bài viết kèm các phóng sự truyền hình hấp dẫn… Một số tác phẩm đã thể hiện được sự dấn thân của tác giả để có những thước phim, hình ảnh ấn tượng, thông tin độc đáo.
Tham dự giải năm nay có nhiều tác phẩm của các tác giả đến từ các cơ quan báo chí lớn như: Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, VnExpress, Báo Đại biểu nhân dân, Báo Công Thương...
Qua 2 vòng chấm thi sơ khảo và chung khảo, Ban giám khảo đã thống nhất chọn ra các tác phẩm xứng đáng nhất theo các tiêu chí về nội dung, chủ đề và hình thức để trao giải.
Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2022 được tổ chức nhằm phát huy vai trò của báo chí trong công tác truyền thông giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, phổ biến và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tác nhân liên quan trong việc giảm ô nhiễm nhựa đại dương.
Trước đó, ông Lưu Anh Đức - Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam” cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là ô nhiễm nhựa đại dương, đã và đang trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái; môi trường; sự phát triển kinh tế, xã hội; sức khỏe và chất lượng sống của con người.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ Việt Nam đã đổi mới chính sách, tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương. Trong đó, báo chí là phương tiện truyền thông chủ lực.
Theo ông Lưu Anh Đức, trước thảm họa rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa đại dương, báo chí truyền thông hơn bao giờ hết cần nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chủ động tích cực cùng tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, bảo vệ hệ sinh thái biển bền vững.
"Giải báo chí được tổ chức nhằm ghi nhận những thành tựu, đóng góp của báo chí, phóng viên, biên tập viên trong sự nghiệp bảo vệ môi trường biển nói chung và giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói riêng, Giải báo chí lần thứ 2 cũng là cơ hội để thông qua báo chí có thể phổ biến và khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần triển khai thực hiện Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 theo Quyết định số 729/QĐ-TTg mới ban hành ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ", ông Đức chia sẻ.
Ông Patrick Haverman – Phó trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP và bà Nguyễn Thúy Quỳnh - Giám đốc Truyền thông và Vận động chính của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam cũng nhận định vấn đề bảo vệ môi trường biển và giảm ô nhiễm nhựa đại dương, là một mục tiêu quan trọng cần sự chung tay và nhiệt huyết của cả cộng đồng xã hội, trong đó báo chí đóng vai trò rất quan trọng.
Bình luận