Nhãn là cây ăn quả lâu năm, được trồng nhiều ở các nước khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Quả nhãn tươi chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C và các chất chống oxy hóa. Chúng không chỉ bổ dưỡng, chống lão hóa mà còn có tác dụng an thần. Long nhãn tươi hoặc long nhãn sấy khô được dùng để chế biến các món ăn ngon và cũng được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh Đông y.
Không chỉ long nhãn mà cả lá nhãn cũng có nhiều tác dụng y khoa, được dùng như một phương thuốc hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh. Vậy tác dụng của lá nhãn với sức khỏe là gì? Dưới đây là 7 công dụng của lá nhãn với sức khỏe con người.
Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị ung thư
Một nghiên cứu của khoa Dược lý, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia (Ai Cập) và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (Nam Phi) cho thấy, lá nhãn chứa sitosterol, stigmasterol, stigmasterol glucoside, rượu epibroterene, rượu 16-undecyl và quercetin.
Các nhà khoa học phát hiện chiết xuất từ lá nhãn có hoạt tính chống ung thư, như ung thư thận, ung thư vú.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng trên người để đánh giá thêm tác dụng này của lá nhãn.
Thanh nhiệt, giải độc
Theo Bách khoa toàn thư về thảo dược Trung Quốc, lá nhãn có tính thanh nhiệt, giải độc. Đun sôi lá nhãn trong nước có thể giúp giảm sưng đau họng, khô miệng, loét miệng.
Trị các bệnh ngoài da
Lá nhãn có tác dụng giải độc, diệt virus. Tắm bằng lá nhãn có thể giúp diệt vi khuẩn ngoài da, phòng ngừa các loại bệnh ngoài da, giảm ngứa ngáy.
Hỗ trợ điều trị mất ngủ
Lá nhãn giúp an thần nhất định, có lợi cho giấc ngủ, tốt cho những người thường bị mất ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc hay bị tỉnh giấc.
Bổ khí huyết
Nước lá nhãn đun sôi có tác dụng bổ khí huyết, có thể cải thiện triệu chứng như sắc da nhợt nhạt, tứ chi mỏi mệt do khí huyết không lưu thông.
Trị cảm mạo, sốt rét
Trà lá nhãn giúp hỗ trợ giảm các triệu chứng cảm lạnh, sốt rét hoặc phòng ngừa cảm cúm, cảm lạnh.
Bổ sung dinh dưỡng
Lá nhãn và búp nhãn non đun sôi trong nước giúp bổ sung thêm một lượng nhỏ vitamin và nguyên tố vi lượng tốt cho cơ thể.
Nhãn là loại cây "toàn năng" bởi ngoài long nhãn, lá nhãn thì các bộ phận khác như rễ, hạt, vỏ cây nhãn đều được dùng để trị bệnh. Dù vậy, khi muốn sử dụng lá nhãn với bất kỳ mục đích y khoa nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn, tránh tự ý sử dụng.
Bình luận