Quả đậu bắp được biết đến là một loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao và ngày càng được nhiều người lựa chọn vào thực đơn hàng ngày. Vậy, tác dụng của đậu bắp với sức khỏe như thế nào?
Giá trị dinh dưỡng có trong 100g đậu bắp
Bài viết trên website của Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Vũ Thanh Tuấn cho biết, từ lâu, đậu bắp được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Trong mỗi 100g đậu có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như Natri 7mg, Kali 299 mg, Chất xơ 3,2g, Protein 1,9g, Sắt, vitamin C, Vitamin B6, Magie 57mg và các khoáng chất. Đậu bắp có lượng calo thấp chỉ 33 calo và không chứa cholesterol hoặc chất béo bão hòa gây hại cho cơ thể.
Với hàm lượng dinh dưỡng cao và calo thấp của đậu bắp giúp loại thực phẩm này phù hợp với mọi đối tượng đặc biệt là đối với bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu, táo bón.
Tác dụng của đậu bắp với sức khỏe
Đậu bắp là loại thực vật chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như Protein, Vitamin A,E,B, Axit amin, Kali, Canxi,... có lợi cho cơ thể con người cùng với rất nhiều tác dụng như:
Bệnh tiểu đường: đậu bắp chứa các chất như insulin có khả năng hỗ trợ giảm lượng đường trong máu, giúp ích cho quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Uống nước ép đậu bắp có thể làm giảm lượng đường trong máu, chính vì vậy người bệnh mắc bệnh tiểu đường có thể bổ sung thêm đậu bắp vào thực đơn có thể kiểm soát tình trạng bệnh tiểu đường.
Bệnh thiếu máu: Thường xuyên uống nước ép đậu bắp còn có thể tránh nguy cơ mắc bệnh thiếu máu, bởi đậu bắp cũng có một hàm lượng chất sắt, kali, kẽm,...rất cao giúp bổ sung các chất dinh dưỡng tái tạo máu.
Hệ tiêu hóa: Đậu bắp rất tốt cho hệ tiêu hóa, có thể hỗ trợ cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa. Thực tế, chất nhầy dính trong đậu bắp được tạo thành từ polisaccarit như collagen và mucopolysacarit giúp cải thiện nuôi dưỡng vi sinh vật có lợi cho đường ruột.
Tác dụng chính của chúng là nhuận tràng, hỗ trợ các vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Đậu bắp còn chứa rất nhiều chất xơ cùng với chất nhầy có thể điều hòa sự hấp thu của ruột non giúp điều chỉnh lượng đường huyết. Chất nhầy này còn là môi trường phát triển cho vi khuẩn đường ruột, có tác dụng bôi trơn đường ruột.
Bệnh táo bón:Lượng chất xơ trong đậu bắp có thể hấp thụ nước làm thành khối phân lớn, kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón. Đậu bắp cũng có thể có tác dụng như một loại thuốc nhuận tràng, cùng với chất xơ liên kết với các độc tố giúp giảm bệnh nhu động ruột.
Bệnh loãng xương:Chất nhầy khi ăn đậu bắp cũng có tác dụng bôi trơn xương khớp. Cùng với nguồn vitamin K và folate, đậu bắp cũng có thể ngăn ngừa tình trạng mất canxi, phòng bệnh loãng xương giúp xương ngày càng chắc khỏe hơn, ổn định các khớp.
Làm đẹp da:chất pectin trong đậu bắp có tác dụng tăng cường độ đàn hồi cho da. Ăn đậu bắp thường xuyên có thể cải thiện tình trạng sức khỏe làn da, các chất chống oxy hóa trong nó có thể giúp thanh lọc máu, loại bỏ tạp chất góp phần đẩy lùi mụn trứng cá. Ngoài cách sử dụng để ăn, bạn còn có thể nghiền nát đậu bắp sử dụng như một lớp mặt nạ bôi lên mặt để làn da trở nên sáng mịn hơn.
Bệnh hen suyễn:Hàm lượng vitamin C cùng với lượng chất chống oxy hóa trong đậu bắp có khả năng giảm các vấn đề của đường hô hấp như bệnh hen suyễn. Chính vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng hen suyễn có thể sử dụng thêm đậu bắp để làm giảm triệu chứng của nó.
Giảm cân:Đậu bắp chứa hàm lượng chất xơ vô cùng dồi dào, bao gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ này rất có lợi cho công cuộc giảm cân. Cùng với ưu điểm lượng calories thấp khiến đậu bắp trở thành món ăn lý tưởng giúp kiểm soát cân nặng.
Ngăn ngừa khuyết tật thai nhi: Đây là công dụng đặc biệt ở đậu bắp nhờ chứa nhiều acid folic. Với các sản phụ, chất này có thể giúp phòng ngừa các bệnh như khuyết tật ống thần kinh. Acid folic còn rất cần thiết cho các chức năng của cơ thể giúp giảm tỷ lệ mắc phải các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Một số cách dùng đậu bắp
Dưới đây là một số cách dùng đậu bắp tốt cho sức khỏe được tư vấn bởi TS Trần Hồng Hải đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Dùng 5 quả đậu bắp, rửa sạch, cắt bỏ 2 đầu của quả đậu, ngâm với 200ml nước sôi để nguội trong 8 giờ hoặc hơn. Chắt nước uống, bỏ bã.
- Tốt cho người viêm dạ dày, dưỡng gan: Dùng cành non của đậu bắp luộc ăn.
- Chữa ho, viêm họng: Rễ và lá đậu bắp, cắt nhỏ, phơi khô ngày uống 16g dưới dạng thuốc sắc hay hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà.
- Thanh nhiệt, hạ sốt, hỗ trợ chữa viêm đường tiết niệu: Dùng lá, thân rễ đậu bắp 60g, nấu nước uống.
Bình luận