Đã có thể nói chuyện trở lại sau những ngày mê man, mất giọng, bà Nhàn chưa thể khôi phục hoàn toàn dây thanh quản. Hiện, bà vẫn phải đặt ống thông ăn dạ dày và có thể rút sau 2 tuần nữa, khi đã ăn uống tốt hơn.
Đầu tháng 10, bà Nhàn vô ý nuốt phải chiếc răng giả trong miệng được trồng khoảng 10 năm nay. Đến Bệnh viện Quân đoàn 4, bà được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Bác sĩ tiến hành thủ thuật lấy dị vật ra, song giữa chừng thì chiếc răng vướng lại trong họng bệnh nhân.
Bà Nhàn được chuyển về Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM để tiếp tục lấy dị vật và sau đó chuyển qua Bệnh viện Bình Dân điều trị vết rách cổ họng.
Tiến sĩ Đỗ Bá Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rách thực quản, chảy dịch vùng cổ. Các bác sĩ đã mổ dẫn lưu dịch và khâu vết rách. Nếu không kịp thời xử lý, dịch chảy lan xuống trung thất sẽ gây áp xe quanh cổ có thể dẫn đến áp xe trung thất, khả năng tử vong rất cao.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Công Quyền, Trưởng khoa Mạch máu Lồng ngực Bệnh viện Bình Dân cho biết, bệnh nhân bị mất giọng vì liệt tạm thời dây thần kinh thanh quản trái do vết thủng nhiễm trùng gần dây thần kinh quạt ngược thanh quản trái. Để đánh giá sự hồi phục của dây thần kinh thanh quản sau tổn thương, cần khoảng 6 tháng.
Tổn thương thanh quản trong trường hợp nuốt dị vật như bà Nhàn hiếm khi xảy ra. Bác sĩ khuyến cáo người mang răng giả tháo lắp nên kiểm tra, tốt nhất nên trồng răng cố định. Răng giả thường có móc sắt, khi nuốt trên đường di chuyển xuống bụng có thể làm rách thực quản, đến dạ dày có thể gây nghẹt môn vị dạ dày, thậm chí làm thủng ruột. Những trường hợp này đều phải can thiệp ngoại khoa để lấy dị vật ra. Khi đã lỡ nuốt, không nên cố móc họng, không nuốt cơm để trôi dị vật mà cần đi cơ sở y tế ngay.
Bình luận