Chưa chính thức, nhưng kế hoạch Super League lúc này coi như hỏng. Mới 72 giờ trôi qua kể từ khi tuyên bố cho ra đời giải đấu siêu cấp của bóng đá châu Âu, hầu hết các thành viên sáng lập tuyên bố rút lui.
"Thành thật mà nói thì không. Rõ ràng là không thể", Chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus, một trong 3 đội bóng còn lại của liên minh 12 CLB đến lúc này vẫn chưa lật kèo. Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo rằng dự án này sẽ không được tái khởi động trong tương lai với một diện mạo khác.
Deja Vu của bóng đá Anh
Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham gia nhập liên minh ly khai với ý định lập một giải đấu riêng. Người Anh có thể nhận ra sự thân quen khi nhìn vào danh sách 12 thành viên sáng lập Super League mà một nửa trong số đó chính là Big Six, 6 CLB lớn nhất xứ sương mù.
Những trang sử đầu tiên của Ngoại Hạng Anh, giải đấu mà sau gần ba thập kỷ đã trở thành cỗ máy kiếm tiền đỉnh cao của bóng đá thế giới, được viết theo cách như vậy. Đó là câu chuyện bắt đầu từ năm 1985, lần cuối cùng giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Anh không bán được bản quyền truyền hình.
Nhóm Big Five gồm Arsenal, Liverpool, Man Utd, Tottenham và Everton lôi kéo thêm 3 CLB khác, trong đó có Man City, đòi tự xóa tư cách thành viên trong hệ thống Football League. Hành động này dẫn đến một bản hợp đồng bản quyền truyền hình mới, trong đó các đội bóng lớn được hưởng nhiều quyền lợi hơn.
Điều tương tự xảy ra sau đó 3 năm, khi Big Five đòi tự ký hợp đồng bản quyền riêng. Những người điều hành giải đấu buộc phải thực hiện cú lật kèo trên bàn đàm phán để bán bản quyền cho một đối tác khác, một nhà đài đã bắt tay với nhóm "nổi loạn".
Đến lần thương thảo hợp đồng tiếp theo, vào năm 1991, Ngoại Hạng Anh ra đời. Những người khởi xướng cuộc ly khai này không từ bỏ ý định sau mỗi lần nhượng bộ. Ba mốc thời gian là những lần điều chỉnh và tìm kiếm thêm chỗ dựa, cũng như những cú hích cần thiết để ý tưởng trở thành hiện thực.
Hơn ai hết, người Anh hiểu rõ rằng ý tưởng về một giải đấu ly khai sau vài lần lắng xuống vẫn có thể được thổi bùng trở lại. Super League cũng có thể đi đến cái kết như Ngoại Hạng Anh, nếu có đủ thời gian và xúc tác.
Thật ra đây cũng chẳng phải lần đầu tiên bóng đá thế giới nhắc đến Super League. Ý tưởng về một giải đấu siêu cấp của bóng đá châu Âu từng xuất hiện trên mặt báo trong suốt một thập kỷ, gắn liền với nhóm G-14. Tám trong số 18 thành viên của tổ chức này là những CLB sáng lập Super League.
Super League có thực sự thất bại?
Super League hiện lên lần này như một thảm họa về quan hệ công chúng (PR). Trong mắt người hâm mộ, căn tính của giải đấu siêu cấp này chỉ được gói gọn bằng từ "tham lam", dẫn đến làn sóng phản đối và những hiệu ứng tiêu cực.
Phụ trách chiến lược tiếp thị, truyền thông cho Super League là một công ty mà đội ngũ của họ có những người từng là cố vấn cho hai đời Thủ tướng Anh, Theresa May và Boris Johnson. Chẳng lẽ những người này lại có thể mắc một sai lầm lớn đến vậy ngay trên "sân nhà" của mình?
Khi một thế lực hùng mạnh rút lui thì đó chưa chắc là một thất bại của họ. Super League xuất hiện lần này cũng có thể là "đòn gió" mà những ông trùm bóng đá tung ra để thăm dò dư luận, chuẩn bị cho một chiến dịch dài hơi.
Phản ứng lần này đủ để những người khởi xướng siêu giải đấu hiểu rằng họ cần thêm sự bảo hộ. Chỉ JPMorgan với khối tài sản khổng lồ chống lưng là không đủ. Trong câu chuyện của Ngoại Hạng Anh, sự ủng hộ mang tính then chốt mà những người sáng lập có được ở bước quyết định là của Hiệp hội bóng đá (FA).
Cũng không loại trừ khả năng những đội bóng hàng đầu này chỉ "dằn mặt" UEFA để buộc tổ chức này phải ngồi vào bàn đàm phán. Cái đích cuối cùng là sự phân chia quyền lợi, giống như câu chuyện của bóng đá Anh. Chủ tịch Super League Florentino Perez kêu gọi UEFA đàm phán, không phải trừng phạt.
Giải Ngoại Hạng Anh ra đời với công thức chia doanh thu bản quyền truyền hình là 50:25:25 (50% chia đều, 25% chia theo thứ hạng, 25% chia theo số trận phát sóng trực tiếp). Những nhà sáng lập Super League cũng đặt ra một công thức tương tự là 32,5:32,5:20:15. Một điểm đáng lưu ý là hợp đồng bản quyền truyền hình UEFA Champions League và Europa League hiện tại sẽ hết hạn vào mùa hè 2021.
"Các bạn thắng. Chúng tôi thắng. Tất cả chúng ta đều thắng", cây bình luận Martin Samuel của Daily Mail viết như vậy sau khi 6 đội bóng Anh rút khỏi Super League vì sức ép quá lớn của người hâm mộ. Nhưng, đây chưa chắc là tàn cuộc. Cũng không ai, ngoài những ông chủ sáng lập ra Super League, biết được đây là giai đoạn nào của cuộc cách mạng mà họ tuyên bố không từ bỏ.
Sẽ là sai lầm nếu gọi đây là một chiến thắng của bóng đá. Cũng như các đội bóng và người hâm mộ, những ông chủ CLB cũng là một phần của một hệ thống mà giờ đây không đơn thuần chỉ là cuộc chơi thể thao.
Super League, trong điều kiện lý tưởng, không nên là thứ khơi mào ra cuộc chiến giữa đội bóng và người hâm mộ. Đó phải là công cụ để bóng đá chống lại cơn khủng hoảng. Chiến thắng thực sự là một giải pháp dung hòa được lợi ích của các bên mà không chỉ là bảo vệ túi tiền của giới chủ.
Bình luận