Trong động thái củng cố mối quan hệ giữa lúc Nga đối đầu với phương Tây, nhà sản xuất khí tự nhiên lớn nhất thế giới xây dựng đường ống khổng lồ chạy từ Siberia đến biên giới Trung Quốc để thỏa mãn nhu cầu khổng lồ về năng lượng của Bắc Kinh.
Đường ống dẫn khí mới với tên gọi “Sức mạnh Siberia” là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Putin nhằm giảm sự phụ thuộc của Nga vào thị trường khí đốt ở châu Âu và thâm nhập vào các nền kinh tế đang phát triển mạnh ở châu Á.
Đối với Trung Quốc, nơi sản xuất năng lượng trong nước không thể theo kịp nhu cầu, “Sức mạnh Siberia” cung cấp một nguồn cung mới quan trọng.
Sức mạnh Siberia là gì?
Được xây dựng và vận hành bởi tập đoàn nhà nước Nga Gazprom, "Sức mạnh Siberia" dài khoảng 3.000 km, từ mỏ Chayandinsk và Kovyktinsk nằm ở khu vực lạnh nhất ở Siberia tới thành phố Blagoveshensk nằm ngay sát biên giới với Trung Quốc.
Một đường ống khác ở Trung Quốc sẽ kết nối với hệ thống của Nga, kéo dài thêm 3370km nữa về phía nam tới Thượng Hải.
Phần đường ống được Gazprom quản lý có khả năng vận chuyển tới 61 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm, bao gồm 38 tỷ mét khối khí xuất khẩu sang Trung Quốc trong vòng 30 năm tới.
Giám đốc điều hành Gazprom Aleksei Miller cho biết, gần 10.000 người và 4.500 đơn vị kỹ thuật tham gia xây dựng đường ống dẫn khí này.
Tình trạng hiện tại của "Sức mạnh của Siberia"
Gazprom đã bơm đầy khí vào đường ống hồi tháng 10. Sáng 2/12, qua cầu truyền hình trực tiếp, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ khai trương “Sức mạnh Siberia”.
Theo kế hoạch, Gazprom sẽ bắt đầu chuyển 10 triệu m3/ngày và đạt công suất tối đa vào năm 2025.
Tại sao đường ống này lại quan trọng với Nga?
Sức mạnh của Siberia cung cấp một hàng rào giúp Nga chống đỡ lại mối quan hệ đang ngày càng xấu đi với châu Âu. Cho tới nay, phần lớn lượng khí đốt của Nga có điểm đến hướng tới là phương Tây, thông qua các đường ống ở Ukraine.
Nga và Ukraine nhiều năm qua tranh cãi về chi phí quá cảnh. Matxcơva thậm chí đã 2 lần dừng cung cấp khí đốt vào giữa mùa đông.
Mối quan hệ chính trị giữa Nga và châu Âu cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn kể từ khi Nga sáp nhập Crưm năm 2014 khi Mỹ và EU áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Matxcơva.
Bên cạnh đó, Nga có nhiều trữ lượng khí đốt lớn chưa khai thác ở vùng Viễn Đông, sát vách với Trung Quốc hơn là châu Âu.
“Dự án này quan trọng đối với đất nước chúng ta, và cũng quan trọng đối với Trung Quốc”, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói, nhấn mạnh rằng dự án có thể tạo ra việc làm và cơ sở hạ tầng mới tại vùng Viễn Đông của Nga.
Tại sao Trung Quốc lại muốn dự án này?
Trung Quốc là nhà nhập khẩu và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Nguồn cung từ Nga sẽ bổ sung nguồn cung cho các mỏ nội địa của Trung Quốc với giá thành rẻ hơn.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tìm tới Nga cũng giúp họ giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp khí đốt tự nhiên khác là Mỹ.
Từ tháng 6, Bắc Kinh quyết định nâng thuế nhập khẩu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ lên 25%. Mức thuế khiến lượng LNG nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ bị chững lại đáng kể.
Với "Sức mạnh Siberia", Bắc Kinh hoàn toàn có thể mua khí đốt của Nga đề bù vào khoảng trống thiếu hụt mà Mỹ để lại.
Ảnh hưởng của đường ống này tới châu Âu, Mỹ
Sức mạnh của Siberia tăng cường sức mạnh của Nga trong các cuộc đàm phán về hợp đồng khí đốt với các nước châu Âu. Nếu Nga có thể chuyển sản lượng khí đốt của mình sang phương Đông, phương Tây sẽ phải trả nhiều tiền hơn để được bảo đảm nguồn cung.
Cùng với đó, Gazprom đang triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”, một tuyến đường ống dẫn khí mới dưới biển Baltic, giúp tăng gấp đôi công suất vận chuyển của tuyến cung cấp ở phía Bắc hiện nay. Điều này giúp Nga có thể không cần "quá cảnh" qua các đường ống Ukraine trong trường hợp căng thẳng gia tăng.
Việc Nga và Trung Quốc, 2 cựu đồng minh bị kéo giãn quan hệ sau chiến tranh Lạnh đang xích lại gần nhau dường như cũng gửi đi một thông điệp tới Mỹ rằng họ hoàn toàn có thể bắt tay với nhau để chống lại đối thủ chung là Mỹ.
Bình luận