Mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, trong đó riêng sản phẩm sữa bột phải nhập tới 70%. Do đó, việc đầu tư và đưa vào hoạt động “siêu nhà máy sữa bột” mới của Vinamilk đã thật sự tạo một bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam, đặc biệt là phân khúc sữa bột trẻ em.
Thị trường sữa bột trẻ em – thuận lợi và thách thức
Ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng sữa những năm gần đây tăng nhanh, khoảng 20%/năm; sản lượng sữa tiêu dùng (quỹ sữa tươi) khoảng 1,4 tỷ lít, bình quân hơn 15 lít/người/năm. Mặc dù mức tiêu thụ sữa thấp hơn nhiều so với các nước, nhưng nguyên liệu trong nước cũng mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu sản xuất, còn lại phải nhập khẩu (kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa khoảng 850 triệu USD/năm).
Riêng về sữa bột, sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 65.000 tấn, trong đó chỉ có 20.000 tấn (30%) được sản xuất trong nước, còn lại 45.000 tấn (70%) là phải nhập khẩu.
Tại nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam, các sản phẩm chất lượng quốc tế sẽ được sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. |
Theo số liệu từ bộ Công Thương, thị trường sữa bột của Việt Nam hiện có doanh thu vào khoảng 2.359 tỷ đồng trong năm 2012, chiếm 1/4 doanh thu toàn thị trường sữa. Đây là một thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm, cùng sự hiện diện của hơn 300 thương hiệu sữa bột, trong đó sữa ngoại chiếm đa số.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Euromonitor, hầu hết những người dân có thu nhập trung bình trở lên có xu hướng cho con dùng sữa ngoại, mặc dù giá sữa nội hiện đang thấp hơn giá sữa ngoại 27%-74%. Nguyên nhân sữa nội vẫn chưa được ưa chuộng một phần do tâm lý của một bộ phận người dân còn chưa đánh giá tích cực cho các sản phẩm chất lượng trong nước. Điều này khiến cho người tiêu dùng đôi khi phải sử dụng sữa bột với chất lượng tương đương nhưng chi phí bỏ ra nhiều hơn rất nhiều.
Nỗ lực nâng tầm chất lượng quốc tế cho sữa bột trẻ em Việt Nam
Trong những năm vừa qua, khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt’ đã trở nên khá phổ biến và nhận được sự ủng hộ của đông đảo của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với mặt hàng sữa bột, đặc biệt là phân khúc sữa bột dành cho trẻ em thì quan điểm, nhận thức và thói quen tiêu dùng giữa sản phẩm “nội” và “ngoại” vẫn còn khoảng cách khá xa. Mặc dù có thành phần dưỡng chất và công thức tương ứng, nhưng vì sao người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả gấp đôi, gấp ba số tiền để chọn sữa ngoại cho con?
Đây là vấn đề gây đau đầu cho hầu hết các doanh nghiệp sữa trong nước. Và để “chinh phục người tiêu dùng” thì các doanh nghiệp sữa Việt Nam cần có chiến lược đầu tư cụ thể và nỗ lực ứng dụng các công thức dinh dưỡng tiên tiến trên cơ sở phù hợp với thể chất và nhu cầu của trẻ em Việt Nam cũng như đầu tư qui mô về mặt dây chuyền, trang thiết bị tiên tiến thế giới để từng bước xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp sữaViệt Nam, Vinamilk là một trong những đơn vị điển hình đã và đang thực hiện được mục tiêu nâng tầm sữa bột trẻ em Việt Nam so với sữa ngoại qua việc cạnh tranh công bằng và đứng ngang tầm với các thương hiệu sữa hàng đầu thế giới tại Việt Nam.
Riêng phân khúc sữa bột trẻ em, trong 5 năm qua, ngành hàng sữa bột Vinamilk đã tăng trưởng mạnh, doanh số trung bình > 30%/năm, chiếm 25,8% thị phần, hiện đứng đầu thị trường sữa bột trẻ em về sản lượng.
Bên cạnh việc phát triển sản phẩm dựa trên cơ sở nghiên cứu thực tế tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam và ứng dụng những thành tựu tiên tiến của thế giới với các đối tác dinh dưỡng hàng đầu như DSM, Lonza – Thụy Sĩ, Chris Hansen, Arla Foods – Đan Mạch.
Vừa qua, Vinamilk đã tạo ra một bước bứt phá mới cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam khi chính thức khánh thành Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam tại Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore. Nhà máy do Vinamilk làm chủ đầu tư có diện tích 6ha, với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (tương đương gần 100 triệu USD), có công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm và được xem là một trong những nhà máy sữa bột trẻ em hiện đại nhất châu Á.
Nói về quyết định đầu tư nhà máy, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk cho biết: “Mục tiêu của Vinamilk là tạo cơ hội cho trẻ em Việt Nam được sử dụng sản phẩm dinh dưỡng chất lượng không thua kém sản phẩm nhập khẩu với giá cả hợp lý.
Việc nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam đi vào hoạt động sẽ giúp Vinamilk tiếp tục tham gia chương trình bình ổn giá sữa cho trẻ em, giúp trẻ em trong nước được sử dụng những sản phẩm sữa chất lượng quốc tế được sản xuất với dây chuyền khép kín, trang thiết bị hiện đại không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới.”.
Có thể nói, để nâng tầm chất lượng quốc tế cho sản phẩm sữa bột Việt Nam thì bên cạnh việc đầu tư và nỗ lực từ các doanh nghiệp trong nước còn cần có niềm tin và sự chung tay của người tiêu dùng để tạo bước chuyển mình thật sự cho ngành công nghiệp này.
Từ đó, từng bước giải tỏa tâm lý dùng sữa ngoại của người tiêu dùng và tạo niềm tin, chỗ đứng cho hàng Việt và thương hiệu Việt sẽ ngày càng khẳng định vị trí xứng tầm thế giới.
M.D
Bình luận