Sửa quy định mức giá khởi điểm để đấu giá hàng triệu số điện thoại đẹp

Tin nóngThứ Năm, 24/08/2023 14:06:41 +07:00
(VTC News) -

Thay vì quy định mức 1 triệu đồng, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng GDP bình quân đầu người tính theo ngày.

Sáng 24/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). 

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Luật Viễn thông năm 2009 quy định việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet (bao gồm cả tên miền Internet), song đến nay, việc đấu giá vẫn chưa thực hiện được.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Ông Lê Quang Huy nêu, lần sửa đổi này sẽ có nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá, đáng chú ý là dự thảo quy định về cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất thay vì quy định mức giá cụ thể như trong Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội (1 triệu đồng).

"Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng, quy ra ngày là khoảng 262.000 đồng. Mức này được cho là phù hợp với khả năng chi trả của người dân khi tham gia đấu giá", báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Luật Viễn thông (sửa đổi) nêu.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận, quy định của pháp luật khá cụ thể về đấu giá và sử dụng kho số viễn thông.

Tuy vậy, ông cho rằng việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền Internet về mặt pháp lý là thực hiện theo quy định của Thủ tướng, nhưng trong thực tiễn là chưa thực hiện được.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo luật (Bộ Thông tin và Truyền thông) báo cáo rõ lý do tại sao có quy định pháp lý rồi, nhưng lại có vướng mắc chưa triển khai được. Việc quy định trong Luật Viễn Thông sửa đổi hiện nay liệu có tháo gỡ được những vướng mắc đó hay không.

"Việc xác định giá khởi điểm để đấu giá một số loại tài sản ngay trong dự thảo luật là cần thiết để đảm bảo tính khả thi", ông Hoàng Thanh Tùng nói và lưu ý cần đảm bảo làm sao sau khi luật ban hành có thể triển khai được.

Ông lý giải, Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) đang trình Quốc hội song song. Do đó, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông theo dõi sát quá trình sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để điều chỉnh cho phù hợp.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện trong kho số có hàng trăm nghìn số điện thoại đẹp, thậm chí đến hàng triệu nhưng quy định trước đây phải định giá từng số một.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, khi định giá phải thuê tư vấn nên chi phí để định giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi "sim đẹp" bán đi có thể chỉ được hàng chục triệu đồng. Vì thế, nếu quy định như trước đây là không khả thi.

"Vì vậy, dự thảo lần này sửa đổi quyết định mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp", Bộ trưởng nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện một số đẹp đưa ra có hàng triệu người quan tâm, tức là tính thị trường rất cao, việc định giá sẽ chính xác, tránh được tình trạng không minh bạch. Quan điểm sửa đổi luật lần này là thị trường sẽ quyết định, nếu luật được thông qua việc đấu giá sẽ khả thi.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn