• Zalo

Sửa điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang: Có thể xử lý hình sự những người liên quan

Pháp luậtThứ Tư, 18/07/2018 06:50:00 +07:00Google News

Luật sư cho rằng, kết quả thi của những thí sinh được ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang can thiệp sẽ bị hủy bỏ, đồng thời có thể xử lý hình sự những người liên quan.

Video: Phó phòng Khảo thí ở Hà Giang sửa kết quả hàng trăm bài thi thế nào?

Chiều 17/7, Hà Giang chính thức họp báo công bố thông tin rà soát kết quả thi THPT Quốc gia 2018. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

img_2551-12-1808037

Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Giang làm rõ thông tin về điểm thi bất thường tại tỉnh này.

Chiều 17/7, trả lời PV VTC News, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, những kết quả thi của thí sinh được ông Vũ Trọng Lương can thiệp vào sẽ bị hủy bỏ.

Bên cạnh đó, nếu có chứng cứ cho rằng ông Lương bị mua chuộc bằng tiền để sửa điểm thi thì người nhận tiền sẽ bị xử lý tội "Nhận hối lộ"; người đưa tiền sẽ bị xử lý tội "Đưa hối lộ".

"Ngoài ra, các cá nhân khác liên quan thì tuỳ hành vi từng trường hợp cụ thể mà xử lý khác nhau như: sai sót ở khâu nào, cán bộ nào thì xử lý cán bộ đó. Ví dụ: Sai ở khâu chấm thi thì cán bộ coi thi không có lỗi...

Căn cứ vào động cơ, mục đích, hành vi của từng người để xem có phải đồng phạm không? Nếu đồng phạm thì xử lý theo tội đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị khởi tố. Nếu không đồng phạm nhưng có sai phạm về quy trình, bị người khác lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi thì xử lý hành chính theo Luật Cán bộ công chức" - luật sư Ứng cho hay.

Quy chế thi THPT Quốc gia 2018 quy định rõ việc xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi.

 Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.

"Cảnh cáo đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi: Để cho thí sinh quay cóp; mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi đã được quy định; chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Tuỳ theo mức độ, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau: Ra đề thi sai; trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.

Đặc biệt, buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.", luật sư Ứng phân tích.

1-1531583882895841948529-14144110

 Với gần 5.500 thí sinh dự thi, điểm trung bình các môn thi của thí sinh Hà Giang đều thuộc top thấp nhất cả nước. 

Quy chế cũng nêu rất rõ, người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan việc tổ chức thi không phải công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi) cũng bị xử lý.

Tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động; bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi sai phạm quy định.

Các hình thức xử lý vi phạm quy định trên do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định theo quy trình quy định. Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, luật sư Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc xảy ra ở Hà Giang là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT và xét tuyển đại học, làm mất đi niềm tin của nhân dân cả nước vào nền giáo dục nước nhà.

"Quan trọng hơn cả là quyền lợi chính đáng của các thí sinh không những ở Hà Giang và trên địa bàn cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu tất cả các trường hợp được nâng điểm không trong sạch này ở Hà Giang không được phát hiện thì nhiều thí sinh trong này dù không đủ tiêu chuẩn sẽ vẫn được tốt nghiệp THPT và được xét tuyển vào các trường đại học, thậm chí một số trường công lập mà nhiều thí sinh phải có năng lực thật sự và đạt điểm cao mới vào được.

Hành vi của ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang đã xâm phạm đến khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín.

Xét hành vi của ông Vũ Trọng Lương cho thấy, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi cho 114 thí sinh.

Hành vi của ông Vũ Trọng Lương đã có dấu hiệu phạm tội Giả mạo trong công tác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 359 BLHS 2015. Vì vậy, Giả mạo trong công tác là đối tượng bị xử lý nghiêm", luật sư Thơm phân tích.

Video: Phát hiện đối tượng gây sai phạm kết quả thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn