Kỳ 2 (kỳ cuối): Sữa ong chúa do ong thợ tạo ra
Lấy sữa ong chúa thế nào?
Có một thực tế, là các thợ săn ong tự nhiên không bao giờ lấy được sữa ong chúa. Nếu may mắn lấy được, thì mỗi tổ giỏi lắm được bằng mấy hạt đỗ. 100% nguồn sữa ong chúa đều là nhân tạo, tức do con người can thiệp vào tập tính của loài ong mà tạo ra.
Như bài trước đã nói, sữa ong chúa được tạo ra bởi ong thợ. Một tổ ong rất lớn, nhưng được tổ chức bởi kỷ luật đặc biệt và tính chuyên môn hóa rất cao. Bản năng của loài ong bí ẩn đến nỗi, khoa học hiện đại vẫn chưa khám phá hết.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thy Sơn, chuyên gia về ong và sữa ong chúa, mặc dù, ong chúa là chúa tể của tổ ong, nhưng ong thợ lại quyết định mọi sự. Ong thợ xây tổ cho ong thường (mũ ong) và xây tổ cho ong chúa (được gọi là mũ chúa). Nó xây mũ ở mỗi vị trí theo một hình dạng khác nhau để quyết định tương lai của ấu trùng ong sau khi trưởng thành sẽ là ong thợ, ong đực, ong cái hay ong chúa.
Nếu con người không can thiệp thì mỗi tổ chỉ có 5 - 6 mũ chúa. Ấu trùng ong chúa được nuôi dưỡng bằng sữa ong chúa để trở thành ong chúa thay thế khi ong phân đàn hoặc ong chúa già yếu.
Tất cả các loại ong được ăn sữa ong chúa trong 3 ngày đầu giống như trẻ em sơ sinh được ăn sữa mẹ. Bắt đầu từ ngày thứ 4, ấu trùng ong đực, ong thợ hay ong cái bình thường chỉ được ăn mật và phấn hoa. Khi trưởng thành, chúng chui ra khỏi tổ và tự kiếm ăn. Còn ấu chúa thì tiếp tục được ăn sữa chúa cả đời. Quá trình ấu chúa lớn lên, đấu tranh sinh tồn, giết nhau và chỉ có 1 con trở thành ong chúa. Con ong chúa lớn hơn các con ong khác và có dấu ở ngực để các con ong khác nhận biết ong chúa.
Hiểu được tập tính đó, con người đã tạo ra những cái mũ chúa giả giống y hệt ong thợ tạo ra, bằng khuôn đúc từ chất liệu sáp của tổ ong. Những cái mũ chúa này được cấy vào tổ ong, số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào sức khỏe của đàn ong. Những người thợ gắp ấu trùng ong cái từ 12 đến 18 giờ tuổi bỏ vào trong cái mũ nhân tạo đó, và ong thợ tưởng rằng đó là ấu chúa nên sản xuất sữa để nuôi ấu chúa.
Gọi là sữa ong chúa, nhưng thứ sữa đó lại do ong thợ tạo ra, từ tuyến họng của ong thợ. Hàng ngày, nó nhả sữa vào trong mũ để nuôi ấu chúa. Khi mũ chúa đầy sữa được ong thợ bịt nắp, người ta sẽ cắt nắp mũ chúa, dùng dụng cụ chuyên dụng để khai thác sữa, gắp ấu chúa ra khỏi mũ và tiếp tục di trùng ong cái mới đưa vào để quay vòng khai thác sữa.
Tiến sỹ Sơn tiết lộ, ngoài khai thác sữa ong chúa, ấu chúa được lấy ra sẽ là dòng sản phẩm quý giá để ngâm rượu. Điều khác biệt là, những ấu trùng bình thường ngâm rượu thì nát ra thành nước, nhưng ấu trùng ong chúa ngâm rượu cả năm, mà con ấu trùng vẫn căng mọng và đẹp như hạt gạo nếp. Ông gọi đây là rượu trường sinh, không phải ai cũng có được. Phải thu hàng vạn con ấu trùng mới ngâm được 1 lít rượu.
Có sữa ong chúa giả?
Theo ông Sơn, việc sản xuất sữa ong chúa rất cầu kỳ, phức tạp. Sữa ong chúa chỉ được khai thác ở đàn ong khỏe mạnh, và sữa tốt còn phụ thuộc vào vùng có nhiều hoa tự nhiên, khí hậu thuận hòa. Đó là lý do tại sao khu vực miền bắc vào mùa thu và đông có khí hậu khắc nghiệt, ít hoa tự nhiên, người nuôi ong phải dưỡng đàn (cho ăn đường) nên kể cả chất lượng mật cũng thấp, chứ đừng nới tới chuyện khai thác sữa ong chúa.
Sữa ong chúa là mặt hàng quý hiếm và đắt đỏ, đòi hỏi quy trình chế biến và khai thác khắt khe, đặc biệt phải được bảo quản ngay sau khi khai thác trong tủ bảo ôn ở nhiệt độ cấp đông thì mới cho ra được sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, tại thị trường hiện nay, sữa ong chúa lại được bán tràn lan, khắp nơi, thậm chí bán tại các cửa hàng tạp hóa với giá rất rẻ.
Theo ông Sơn, không thể phủ nhận có một lượng sữa ong chúa được bán trôi nổi ngoài thị trường là hàng kém chất lượng, hàm lượng sữa thấp do pha trộn. Một số con buôn tham lợi nhuận thường nghiền ong non thành bột, lọc lấy nước trắng đục đặc sánh, trộn với sữa ong chúa để lấy mùi vị, tạo ra sữa ong chúa kém chất lượng.
Còn cách làm giả nữa, là nghiền khoai tây đã luộc thành bột, lọc bỏ bã, trộn với sữa Ông Thọ và một lượng nhỏ sữa ong chúa, phụ gia chống thối là thành “sữa ong chúa”. Các dòng pha trộn này hầu hết đều sử dụng chất phụ gia bảo quản, nên rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
“Sữa ong chúa tươi bắt buộc phải bảo quản theo phương pháp cấp đông. Nếu để ngoài trời chỉ thời gian ngắn là hỏng, còn để trong ngăn mát tủ lạnh cũng chỉ giữ được vài ngày, nên cửa hàng nào bày bán bên ngoài tủ lạnh, người tiêu dùng không nên mua, cho dù không phải là hàng giả, thì cũng là hàng không đảm bảo do không được bảo quản đúng tiêu chuẩn và hoặc dùng hóa chất bảo quản” - Tiến sỹ Sơn chia sẻ.
Dương Phạm Ngọc
Bình luận