• Zalo

Sự thật về sâm Ngọc Linh từ 'thị trấn vàng'

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 19/09/2015 01:07:00 +07:00Google News

Ông Vạn khuyên tôi nếu muốn tìm hiểu những chuyện ly kỳ gắn với loại sâm quý thì nên đến "thị trấn Vàng" Khâm Đức.

Ông Vạn khuyên tôi nếu muốn tìm hiểu những chuyện ly kỳ gắn với loại sâm quý thì nên đến "thị trấn Vàng" Khâm Đức.


Không tiếp cận được sâm Ngọc Linh ở Măng-rơi, tôi tìm cách mò vào xứ sở của loại sâm quý từ hướng đèo Lò Xo (tỉnh Quảng Nam). Tại Đà Nẵng, tôi gặp ông Vạn, 62 tuổi, một dân "chơi" sâm Ngọc Linh thứ dữ nhưng rất kín tiếng để nghe từ ông về loài sâm quý này.

Nhà ông Vạn gần sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sau khi cho tôi chiêm ngưỡng một củ sâm Ngọc Linh, ông Vạn nhất nhất từ chối chuyện chụp hình với lý do ông không phải dân buôn bán và không thích nổi tiếng? Ông nói dân chơi sâm Ngọc Linh đích thực, đó chỉ đơn giản là cái thú nên chẳng muốn vỗ ngực xưng tên làm gì: "Còn mấy tay tung hô nào là có cả ngàn củ sâm Ngọc Linh này nọ, hay khoe mình trồng sâm vân vân thì… phải xem lại. Bởi mấy tay hay vỗ ngực như vậy thường mờ ám lắm!".

Cuộc gặp kéo dài chưa đầy 1 giờ đồng hồ nhưng ông Vạn kể đến 4 câu chuyện liên quan đến bi hài kịch của những người là bạn, người thân của ông khi phải trả cả trăm triệu đồng và có khi còn hơn thế nữa để rinh về mấy thứ củ gáy (ráy) có độc bị hô biến thành sâm Ngọc Linh. Rồi ông Vạn khuyên tôi nếu muốn tìm hiểu những chuyện ly kỳ gắn với loại sâm quý thì nên đến "thị trấn Vàng" Khâm Đức.

"Ở Khâm Đức, dân chơi sâm Ngọc Linh nhiều lắm. Họ đa phần là những người buôn bán vàng, hay từng là các chủ bãi vàng nên tiền nhiều lắm, chơi sâm bạo lắm!" - ông Vạn cho biết.

Củ sâm Ngọc Linh của ông Vạn.
Củ sâm Ngọc Linh của ông Vạn. 

1. “Thị trấn Vàng” nằm dưới chân đèo Lò Xo, thuộc địa phận huyện Phước Sơn. Là cung đèo tử thần dẫn vào vùng sâm Ngọc Linh, hướng địa phận Quảng Nam. Theo ông Vạn, tuy chỉ là thị tứ giữa rừng nhưng nhờ vàng nên Khâm Đức "dữ dằn" lắm, lúc hoàng kim cứ như là thành phố với người đông đúc, quán xá tấp nập ngày đêm, dân làm vàng ăn chơi ngút ngàn, có tiền có vàng nên thứ gì cũng thử, món gì cũng chơi, sâm Ngọc Linh cũng không là ngoại lệ.

Gọi là thị trấn Vàng bởi hơn 4 năm trước, khi Công ty Vàng Phước Sơn chưa vỡ nợ, Khâm Đức nói riêng và Phước Sơn nói chung được ví như "vương quốc" của những hầm vàng. Nhiều năm trước, phát hiện dưới những cánh rừng thâm u ở Phước Sơn là những luồng vàng, mạch vàng bất tận, vậy là từ các nơi người ta ùn ùn đổ về lập nhóm, khui bãi săn vàng. Vàng là thứ ma lực nhất thế giới. Vàng đã hút hàng chục ngàn con người rời bỏ mẹ cha, vợ con, rời bỏ chốn thị thành vào chốn rừng thiêng nước độc. Chẳng màng sơn lam chướng khí, chẳng ngại thảm kịch cây đổ, đá đè, sập hầm, sốt rét và cướp giết, người ta - từ người bình thường đến cán bộ công chức, giáo viên… lao vào vàng như thiêu thân. Họ phần lớn mất nhiều hơn được.

Trên chuyến xe đò từ Đà Nẵng đến Khâm Đức, trên hành trình gần 80km đường đèo núi hiểm trở, những lời kể, tâm tình của ông Vạn cứ rót bên tai tôi như ma mị. Sững sờ khi nghe ông Vạn kể về những chầu nhậu thịt rừng với sâm Ngọc Linh của các chủ bưởng mà nói theo ông là rượu tràn lai láng… Hồi đó Phước Sơn vàng nhiều lắm. Ăn theo các luồng đi của vàng, mỗi ngày mỗi chủ bưởng thu hoạch được cả ký vàng và lắm khi hơn. Vàng nhiều quá, để dễ bề vận chuyển và bảo quản, người ta phải đúc vàng thành cục để xếp lớp. Vàng nhiều như thế thì "ăn chơi có sợ gì mưa rơi?". Nên 1 kg sâm Ngọc Linh dăm bảy chục triệu hay ngoài trăm triệu với các chủ bưởng chỉ là chuyện nhỏ.

Đường vào “thị trấn vàng” Khâm Đức - Phước Sơn.
Đường vào “thị trấn vàng” Khâm Đức - Phước Sơn. 

2. Gần 5 giờ chiều, trên chuyến xe hướng về Khâm Đức-Phước Sơn, tôi ngồi cạnh những người đặc biệt. Họ nếu không là dân đi làm vàng, từng là chủ bưởng, từng nhậu sâm Ngọc Linh với cá khô bên những hầm vàng sâu hoắm… thì là người rành rẽ những chuyện người ta trồng, mua, bán sâm Ngọc Linh. Anh Kim Tùng, 45 tuổi, nhà ở gần cây xăng Hồ Mùa Thu tại thị trấn Khâm Đức, là người như thế.

Sau khi cho tôi biết chủ cây xăng Hồ Mùa Thu là người rất rành chơi sâm Ngọc Linh và có kinh doanh thứ sâm quý ấy, anh Tùng khuyên nếu không biết gì về sâm Ngọc Linh thì đừng dại mà rớ vào.

"Bắt đầu từ Khâm Đức đổ dài lên đến đèo Lò Xo, chú em hỏi về sâm Ngọc Linh thì hầu như ai cũng biết. Nhiều người có thể kể vanh vách, kể đủ thứ chuyện hầm bà lằng về sâm Ngọc Linh và khoe có biết, có buôn, có bán nhưng kỳ thực họ cũng chẳng qua là dắt cò bắt mối cho các đầu nậu sâm đặng kiếm lời thôi" - anh Tùng nói vậy.

Đặt chân đến thị trấn Khâm Đức, tôi tìm đến cây xăng Hồ Mùa Thu hỏi thăm thì mới biết song song với việc kinh doanh xăng dầu, chủ cây xăng còn kinh doanh đủ thứ sản vật rừng, nào là chuối hột, sâm cau, củ bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa), bách bộ… "Họ là dân buôn thì khó mà tiết lộ điều gì chân tình. Muốn biết về sâm Ngọc Linh thì mất công lắm".

Đó là chia sẻ của anh Phước Đồng, 41 tuổi, nhà ở gần khách sạn Bưu Điện huyện Phước Sơn. Anh Đồng cho biết, anh từng là chủ bưởng vàng, từng ăn dầm nằm dề ở chốn rừng thiêng nước độc. Vì mê vàng, vì quanh năm suốt tháng sống ở nơi sơn lam chướng khí và hút thuốc lá vô tội vạ nên anh mắc căn bệnh ung thư phổi: "Nghĩ rằng để khỏe, để có sức chỉ đạo đám đàn em khui hầm, tui từng không tiếc gì chuyện tẩm bổ, sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng mua sâm. Khi ấy tôi cũng như nhiều đại ca, ông trùm bến bãi khác lúc nào cũng thủ trong người củ sâm Ngọc Linh, cựa là cắt bỏ vô miệng ngậm. Vậy mà đâu có thoát được ung thư? Sau này gặp các cao thủ chơi sâm lâu năm mới biết hóa ra lâu nay mình dùng mấy thứ củ gáy được tụi nó mông má! Không chừng mình bị ung thư phổi cũng vì thứ sâm dỏm đó?".

Nghe tôi nói có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh về cho cụ thân sinh tẩm bổ, Tùng lắc đầu bảo anh đã gặp quá nhiều cái cảnh những người con hiếu thảo từ TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng… lặn lội vào vùng sâm Ngọc Linh tìm mua sâm Ngọc Linh cho cha mẹ tẩm bổ: "Hí ha hí hửng mang về mấy củ sâm mà mình phải trả năm bảy triệu đồng để có được, nhiều người đâu biết mình muốn báo hiếu, nhưng kỳ thực lại… hại mẹ cha! Gặp quân tương đối tử tế thì nó bán cho thứ củ gáy đã qua xử lý độc. Có không ít trường hợp nó bán thẳng luôn thứ còn tươi nguyên, báo hại mấy đứa con về lăng xăng cắt cho mẹ cha ngậm, ai dè cụ vừa đưa vào miệng đã phồng rộp".

3. Cũng nhờ anh Đồng kết nối, tại Khâm Đức, tôi có dịp gặp bà Hải Đường, một người được cho là rành rẽ sâm Ngọc Linh vì đã từng mua hàng chục ký sâm quý để sử dụng và làm "công tác ngoại giao". Theo bỏ nhỏ của Tùng, nếu có ý mua sâm Ngọc Linh, muốn mua an toàn thì nên "qua cửa cô Đường"? Tùng: "Vợ chồng cô Đường là dân làm ăn lớn, chuyên về sâm Ngọc Linh nên hàng chắc ăn nhất. Còn lại thì dễ dính bẫy lắm…".

Ở Khâm Đức, vợ chồng bà Hải Đường rất nổi tiếng, từng là đối tác lớn với Công ty Vàng Phước Sơn thuộc Tập đoàn Bsera Canada. Chồng bà Đường là ông Đỗ Ngọc Thắng, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức. Có câu chuyện thế này: Cuối tháng 12/2013, với tư cách công dân, bà Đường cùng chồng (trước đó ông Thắng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện Phước Sơn xin thôi chức Chủ tịch thị trấn để không ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương) cùng nhiều người dân, doanh nghiệp đến đòi nợ Công ty Vàng Phước Sơn, số tiền hơn 20 tỉ đồng.

Khi biết được ý định của người viết bài này, bà Đường xác nhận thông tin mình từng mua hàng chục ký sâm Ngọc Linh, có ký đến cả trăm triệu đồng là chuyện có thật: "Hồi đó làm ăn lớn, mình mua làm quà tặng cũng có, người ta nhờ mua để dùng cũng có. Nhưng sâm Ngọc Linh không phải hễ muốn mua là có ngay. Phải chờ phải đợi".

Tôi ngỏ ý mua một ít sâm Ngọc Linh chính hiệu, bà Đường từ chối ngay lập tức với lý do mình không phải dân buôn bán thứ sâm ấy: "Chị chỉ mua dùng và làm quà tặng thôi. Nhưng chuyện ấy khép lại rồi kể từ khi Công ty Vàng Phước Sơn vỡ nợ. Nếu em muốn mua sâm thì đừng mua qua bất kỳ ai hết, hãy tìm đúng những người thực sự trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh mới an toàn. Còn lại dẫu là ai đó bán buôn thì đừng bao giờ tin. Sâm Ngọc Linh giá trị quá lớn nên người ta không ngại bất kỳ thủ thuật nào đâu…".

Tôi hỏi bà Đường rằng có thông tin cho rằng xã Phước Mỹ (cũng thuộc địa phận huyện Phước Sơn) có những nhóm người Giẻ Triêng chuyên luồn rừng tìm sâm Ngọc Linh bán cho những ai có nhu cầu sâm rừng chính hiệu, và dân ở vùng đấy ai cũng rành rẽ sâm Ngọc Linh, bà Đường bảo không rõ chuyện ấy: "Em muốn rõ rành nên gặp người địa phương xem sao. Chứ chị ngày trước phải vào tận Ngọc Linh, không mua ở nơi nào khác".

Đèo Lò Xo - nơi dẫn vào vùng sâm Ngọc Linh.
Đèo Lò Xo - nơi dẫn vào vùng sâm Ngọc Linh. 

4. Xã Phước Mỹ cách thị trấn Khâm Đức gần 10km. Xã nằm dưới chân đèo Lò Xo (cũng hướng địa phận Quảng Nam). Nơi này được một số người ở Kon Tum và Quảng Nam mà sau này tôi biết là dân kinh doanh sâm Ngọc Linh, khoe rằng có nhiều người Giẻ Triêng chuyên đi săn loại sâm quý nhất thế giới. Và những toán sơn tràng chuyên săn sâm quý ấy là người được họ đầu tư nên khi kiếm được sâm thì bán lại cho họ, nên họ luôn sẵn nguồn hàng thật? Nhưng khi tôi trò chuyện với anh Hồ Văn Thịnh, Trưởng công an xã Phước Mỹ, về điều này, thì sự thật không phải như vậy!

Tại trụ sở UBND xã Phước Mỹ, Trưởng công an xã Hồ Văn Thịnh cho biết, người Giẻ Triêng ở địa phương không có ai chuyên "nghề" luồn rừng tìm sâm Ngọc Linh cả. Ngay cả những người già ở các làng cũng chưa ai từng thấy sâm Ngọc Linh, thì làm gì có chuyện người Giẻ "ăn lương" của người này người kia để vào rừng sâu tìm sâm quý? "Ở đây có một số loại được gọi là sâm như bách bộ, sâm môn. Còn sâm Ngọc Linh làm gì có".

Chỉ cách nhau một con đèo nhưng theo anh Hồ Văn Thịnh, thế giới buôn làng người Giẻ Triêng ở Phước Mỹ và thế giới của người Giẻ, người Xơ-đăng trong phạm vi Khu bảo tồn Ngọc Linh là một thế giới khác: "Ở đây khí hậu còn nóng bức chứ trên Ngọc Linh mây mù sương phủ quanh năm. Sâm Ngọc Linh chỉ ở nơi hoang vu lạnh giá như vậy, nên Phước Mỹ làm gì có" - anh Thịnh, trò chuyện! Tôi hỏi anh Thịnh đã từng thấy hay dùng thử sâm Ngọc Linh chưa? Anh bảo mới chỉ một lần trong đời. Lần đó là uống rượu ngâm sâm Ngọc Linh. Thấy cũng bình thường thôi. Không có chuyện uống vào là khỏe mạnh, dẻo dai ngay lập tức như người ta nói.

Về chuyện tăng lực này nọ của sâm Ngọc Linh, sự thể đúng như tâm tình của Trưởng công an xã Hồ Văn Thịnh rằng "không có chuyện uống vào là khỏe mạnh". Điều này được y văn nói rõ hẳn hoi. Và đây là cách để những ai quan tâm đến sâm Ngọc Linh thay đổi cách nhìn về loại sâm quý này. Bởi nếu cứ đinh ninh cách hiểu theo kiểu loan truyền của dân buôn rằng "ngậm vô là yếu cỡ nào cũng khỏe ngay lập tức" thì họ... lầm to!

"Khi nếm vị nhân sâm Triều Tiên, nhất là khi nếm củ sâm trước hết phải thấy vị ngọt, sau thấy đắng, rồi lại ngọt và ngọt (tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam). Khi đang mệt ngậm một miếng sâm trong miệng một lúc, thấy hết mệt liền, trong người thấy khoan khoái. Còn nhân sâm Việt Nam ta (sâm Ngọc Linh-PV), khi nếm thì đầu tiên thấy đắng, sau vẫn thấy đắng, đắng (tiền khổ, hậu khổ, hậu khổ khổ). Hãm hay sắc củ nhân sâm Việt Nam rồi ta ngậm hay uống hầu như không thấy cảm giác khoan khoái" - trích Sâm Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).

Quả là không thiếu chuyện oái ăm liên quan đến thứ sâm quý này. Chợt thấy nực cười khi nhiều người dùng sâm Ngọc Linh dỏm được mông má từ củ gáy, thấy dùng vào "sung ngay" cứ nghĩ sâm rừng chính hiệu. Nếu họ biết được sâm Ngọc Linh không có cái vụ tăng lực ngay lập tức như y thư đã đề cập rõ ràng vậy, chắc là...


Nguồn: N.Thành Dũng(CAND)
Bình luận
vtcnews.vn