Kỳ 4 (kỳ cuối): Tranh cãi quanh con số 2 triệu người chết đói
Loạt bài "Cần tượng đài cho nạn đói 1945":
Kỳ 1: Cần tượng đài cho nạn đói 1945: Nơi thảm cảnh chết đói kinh hoàng nhất lịch sử
Kỳ 2: Chuyện chưa kể về những chuyến xe chở xác kinh dị ở Ninh Bình
Kỳ 3: Chuyện đau thương về một gia đình có 60 người chết đói ở Nam Định
“Trong bài giảng đại học, tôi dạy về nạn đói Việt Nam. Mong muốn nhiều người Nhật biết sự kiện này và muốn đóng góp hòa bình thế giới”. Ito Masako-giảng viên Đại học Kyoto Nhật đã ghi như thế trong cuốn sổ lưu niệm tại khu mộ tập thể vạn người chết đói ở Kim Ngưu, Hà Nội…
Thứ khiến cho nhiều người Nhật phải cúi đầu
Tấp nập của phố phường khiến cho ít người để ý đến trong cái ngõ nhỏ sâu hun hút 559/86/17 đường Kim Ngưu, Hà Nội có một cánh cổng dẫn vào khu mộ chứa hàng vạn bộ hài cốt năm đói. Tôi chầm chậm lật giở hai cuốn sổ lưu niệm ở đây. Cuốn thứ nhất ghi từ ngày 18/4/2006 có 36 trang thì 5 trang có người Việt viết còn lại toàn là người Nhật. Cuốn thứ hai đến thời điểm này có 19 trang thì 2 trang có người Việt còn lại cũng toàn là người Nhật.
Ông Đặng Văn Tuyến - bảo vệ khu còn đưa cho tôi xem cuốn sách bằng tiếng Nhật có tên “Một phần của lịch sử Mỹ - chiến tranh Việt Nam” của Shirai Yoko viết sau khi đến thăm nơi này.
Ở trang 11, 12 có ghi rõ từ năm 1944 đến 1945 tại Bắc Bộ do lũ lụt và chính sách cưỡng chế cung cấp lương thực của quân Nhật khiến 2 triệu người chết đói nên xảy ra sự kiện Việt Minh kêu gọi phá kho thóc cứu đói.
Tại sao những người Nhật lại quan tâm nhiều đến nơi này như vậy? Làm bảo vệ ở đây từ 2005 ông Tuyến vẫn nhớ rõ vẻ mặt đanh lại, u buồn và hối lỗi của những đoàn khách Nhật đến đều đặn hàng năm. Có người còn khóc rồi bảo rằng ngày xưa bố mình cũng tham chiến ở Việt Nam: “Bản thân chúng tôi không gây ra tai họa này nhưng nước tôi đã gây nên. Hôm nay chúng tôi đến đây để thắp hương xin lỗi các vong hồn của nạn đói ngày xưa”.
Có đoàn sau khi thắp hương xong còn đòi vào thăm nhà riêng khiến cho ông phải báo cáo công an phường rồi mới dám dẫn về. “Tại sao ông lại nhận trông khu mộ này?”. Họ hỏi. Ông thực thà trả lời: “Thảm họa này do nước các ông gây nên. Chúng tôi, thế hệ hậu sinh muốn thắp nén tâm nhang cầu cho những vong hồn được siêu thoát”. Đoàn khách bỗng đầu cúi xuống, mắt đỏ hoe. Chưa bao giờ quá khứ và hiện tại lại gần nhau đến thế!
Thảm cảnh tại thủ đô
Hà Nội của 75 năm trước tuy không phải là nơi nạn đói hoành hành dữ dội nhưng lại là thỏi nam châm khổng lồ hút người đói từ khắp nơi đổ về. Trong bài thơ “Đói”, thi sĩ Bàng Bá Lân đã tả: “Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội / Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm / Khắp đường xa những xác đói rên nằm / Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp / Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt / Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma / Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa / Như muốn bắt những gì vô ảnh…”.
“Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ” - Tô Hoài, "Chuyện cũ Hà Nội".
Còn trong bức thư tháng 4/1945, tác giả Vespi viết: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy.
Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó”.
Dân Hà Nội hồi đó phải mua gạo bằng thẻ do chính quyền cấp, dù không đủ no cũng ít khi chết đói.
Ví như làng Vân Trì ở Từ Liêm nơi bà Nguyễn Thị Hòe (nhân vật trong bài đầu) lưu lạc từ Thái Bình đến chỉ chết 3 người.
Nhưng số phận của những kẻ ngụ cư lại khác. Họ lang thang khắp phố phường rồi ngã gục dần vì đói.
Những ai còn đủ sức thì tụ tập thành từng đoàn thất thểu về Trại tế bần Giáp Bát hay Viện tế bần ở phố Sinh Từ.
Báo Bình Minh số 21, ngày 12/4/1945 viết: “Chúng tôi đã chọn trong những hành khất 200 người làm phu xuống sửa sang trại Giáp Bát.
Sáng thứ hai 9/4/1945 chúng tôi cho 2.000 ăn mày xuống đó xong chúng tôi sẽ cho dùng xe bò chở xuống trại tất cả những người ốm đau. Như thế thành phố sẽ nhẹ hẳn đi được một gánh thương tâm và nguy hiểm…Cả thành phố chúng ta bây giờ phải cố vào công việc này để cứu lấy đồng bào và tự cứu mình… Mỗi ngày số cơm thu được ước hai tấn”.
Báo Tin Mới, số 1609 ngày 29/4/1945 viết: “…Trại lập trên một đám đất rộng 25 mẫu. Trong trại 32 gian nhà, xếp đặt thành từng khu, thứ tự và ngăn nắp. Đây là nơi ngày trước dùng làm chỗ ở cho những vợ con binh lính trường bay Bạch Mai. Bây giờ, Tổng hội Cứu tế tổ chức thành trại thứ nhất chứa những đồng bào sống dở chết dở trên các bờ hè thành phố hà Nội… Tôi nhìn lên tấm bảng đen treo trước của Tổng bộ.
Tôi đọc: Ngày 26/4/1945, Buổi sáng số người còn lại 3.036, số người chết 16; Buổi chiều số người còn lại 3.020, số người chết 18, số người vào 2.000, số người còn lại 5.002”.
“Khi đi nhặt xác, gặp ai ngắc ngoải, bọn này cũng lôi đi chôn, vì nếu có để lại thì rồi cũng đến chết nốt. Lúc bị vùi xuống hố, những người ấy còn chắp tay van lạy nhưng bọn người đi chôn cũng cứ lấp đất đi vì không chôn được người thì không được trả công” - Tô Hoài, "Chuyện cũ Hà Nội", trích lại những dòng tin về nạn đói của phóng viên tờ Tin Mới bị kiểm duyệt của Nhật cắt bỏ nhưng thợ in đã lén tuồn ra ngoài.
Báo Bình Minh số 36 ngày 2/5/1945 còn thông báo về việc tìm xác chết tại Hà Nội như sau: “Bà con trong thành phố thấy có xác chết ở chỗ nào xin báo ngay cho hội Hợp Thiện... Hội đã nhận được của cụ Thụy Thành cho 100 đôi chiếu và 300 thừng, các bà Hòa Tướng 100 đôi chiếu và 300 thừng, Đức Sinh 100 đôi chiếu và 300 thừng, Hội Ái hữu Đốc lý 300 đôi chiếu, ông Hồ Công Sĩ một lô bao cói. Hội cần nhiều chiếu, thừng và vôi bột để dùng vào việc chôn người chết đường. Các nhà từ thiện có lòng giúp đỡ xin cứ gửi”.
Thành phố ngày ấy có hàng trăm nấm mồ tập thể mọc lên khắp nơi mà lớn nhất là nghĩa trang Hợp Thiện (Kim Ngưu) và Phúc Thiện (nằm trong công viên Thủ Lệ). Giờ chỉ Hợp Thiện là còn dấu tích.
Nhà cửa xây trên những cốt người
Khu tưởng niệm được lập nên năm 1951 trong nghĩa trang Hợp Thiện cũ do chính người dân Thủ đô tự bảo nhau mang xe bò đi quy tập hàng vạn hài cốt từ nhiều nấm mồ tập thể, cá nhân nằm rải rác khắp phố. Lễ khánh thành còn có sự chứng kiến của người Pháp. Thế rồi, ngôi mộ tập thể ấy bị lãng quên mấy chục năm ròng. Gần đây, cơn lốc đô thị hóa khiến cho người sống phải giành đất với người chết, diện tích khu bị co hẹp, bỏ hoang tàn.
Nhờ đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944 - 1945” của 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2001 mà đến năm 2003, Hà Nội đã đầu tư xây dựng lại.
Đến năm 2013 khu lại được tôn tạo lần cuối nhưng vẫn rất nhỏ bé với diện tích 158m2, đơn sơ chẳng có gì nhiều và bị nhà dân xây bọc kín…Bức tường có đắp dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944 - 1945” từ năm 1951 được giữ nguyên còn khu bể mộ chứa hài cốt được ốp đá, bịt bớt các lỗ thông âm dương để không thể nhìn thấy xương cốt bên trong nữa.
Ông Tuyến vốn là tổ trưởng dân phố. Lúc bấy giờ, do người trông mộ không được đảm bảo nên ông mới báo cáo lên phường tìm người thay thế mà mãi chẳng có ai, đành nhận chỉ định coi luôn từ đó.
Mức hỗ trợ ban đầu 500.000 đồng/tháng, sau nâng lên 1.000.000 đồng/tháng và giờ là 1.500.000 đồng/tháng. Khu mộ khá vắng vẻ, thoảng mới có người qua bỏ vài đồng bạc lẻ vào hòm công đức để mua dầu đèn, hương oản.
Ngày hai lần sáng và chiều ông Tuyến quét dọn, thắp hương đủ 3 ban thờ vong, thờ thần, thờ Phật và tiếp khách. Ngay cả hôm 30 Tết cũng thế.
Ông kể, cứ sau mỗi lần báo đài nhắc về khu mộ là thường có những người già nhờ con cháu chở đến, thắp hương rồi bảo: “Suốt cả đêm qua tôi không ngủ được, giờ tôi giờ mới biết ở Hà Nội lại có nơi tưởng niệm này”.
Lại có những người nhờ nhà ngoại cảm chỉ mà cứ đinh ninh rằng người thân của mình chết năm đói năm xưa được quy tập về đây nên xin di cốt đi khiến cho ông phải giải thích mãi.
Nhiều người đến thăm cứ trăn trở chuyện tại sao lại không đặt một tượng đài ở đây để tưởng niệm cho thảm họa của cả dân tộc?
Ông Tuyến bảo: “Ngay cả cái nhà thắp hương này trước cũng là giải tỏa của một hộ dân mới có. Muốn dựng tượng đài phải có ít nhất từ 500m2 trở lên, phải giải tỏa tiếp.
Trước khi tôn tạo, cũng có họp mấy lần, có đề nghị phải mở rộng diện tích, xây dựng tượng đài nhưng rồi lại chẳng thấy đâu”.
Đi điều tra nhờ tiền di chúc của cha
Năm 1994, Giáo sư sử học Văn Tạo nhận được một bức thư của ông Furuta Motoo, Giáo sư trường Đại học Tokyo, Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt – Nhật trong đó kể về khoản thừa kế theo di chúc của cha trước khi qua đời với mong muốn dành một phần để làm một cái gì có ích cho Việt Nam. Và Giáo sư đã muốn dùng khoản đó (10.000 USD) cho chương trình hợp tác khoa học của Hội Hữu nghị Việt – Nhật về đề tài “Quan hệ Việt – Nhật thời kỳ 1940-1945”, trọng tâm là nghiên cứu về nạn đói 1944-1945.
Đoàn đã khai thác tư liệu từ nhiều nguồn và chủ yếu là khảo sát, điều tra thực địa trên 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở ra với ba đợt năm 1992, 1993-1994, 1994-1995. Đã huy động nhân lực của hàng trăm nhà nghiên cứu ở trung ương và địa phương và hàng ngàn nhân chứng. Cuốn sách viết chung “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” được hoàn tất sau đó.
Có nhiều nguyên nhân được lý giải: Chính sách thu mua thóc bắt buộc với giá rẻ, miền Bắc mất mùa, Nhật chặn gạo vận chuyển từ miền Nam ra để phục vụ cho chiến tranh, sự giả dối của chiến lược vùng thịnh vượng chung Đại Đông Á nhằm ăn cướp lương thực...
Hai tác giả cũng có những điểm khác biệt trong góc nhìn. Nếu GS Văn Tạo coi phát xít Nhật là nguyên nhân chính gây nên thảm kịch này và kịch liệt lên án thì GS Furuta Motoo lại đi sâu vào kỹ thuật hơn khi khảo sát diễn biến cụ thể của thảm họa, ở đâu khốc liệt nhất, tầng lớp nào chết nhiều nhất, sự mất nhân tính trong cơn đói thế nào…
Công trình đã chứng minh con số 300.000 người chết đói mà phía Nhật đưa ra khi đền bù chiến tranh cũng như con số 1 triệu người chết đói mà chính quyền miền Nam đưa ra hồi 1959 khi đòi Nhật bồi thường là chưa chính xác. Trang 19 phân tích: “Cuốn Lịch sử Hà Nam Ninh xuất bản năm 1988 đã ghi, phủ Nghĩa Hưng (Nam Định) mỗi ngày chết 400 người.
Tại 23 ngôi làng mà đoàn điều tra, tỷ lệ người chết đói tính trên tổng dân số năm 1945 được phân bố từ 8,37% của Nhượng Bạn tỉnh Cao Bằng đến 58,77% của Quần Mục TP Hải Phòng, có 6 làng tỷ lệ người bị chết đói hơn 40%.
Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cả vụ đói năm 1945 có 22.908 người chết đói…Con số người chết đói của tỉnh Hà Nam Ninh (bao gồm ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) là Nam Định chết 212.218 người, Hà Nam chết 50.398 người, Ninh Bình chết 37.939 người.
Riêng tỉnh Thái Bình, nơi mà nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban Lịch sử tỉnh điều tra, nghiên cứu và tổng kết cho biết con số tương đối sát thực tế là: “Cả tỉnh chết đói mất 280.000 người”. Như vậy chỉ tính số người chết đói ở bốn tỉnh cũ kể trên đã lên tới 580.547 người thì con số 2 triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ, tính từ Quảng Trị trở ra và hai thành phố lớn Hà nội, Hải Phòng là gần với sự thật”.
Nhật từng đền bù chiến tranh cho Việt Nam
Ngay tại Nhật, những người thừa nhận nạn đói ở Việt Nam năm 1944-1945 là có thật vẫn còn băn khoăn về sự sai khác con số giữa các nguồn tài liệu, về các nguyên nhân gây nên.
Theo Giáo sư Yoshizawa Minami trong cuốn sách Chiến tranh châu Á trong tiềm thức của chúng ta, trang 2 thì: “Năm 1959, Chính phủ Nhật Bản trong việc đàm phán với chính quyền Ngô Đình Diệm về việc bồi thường chiến tranh đã đưa ra một đề án để trình Quốc hội Nhật Bản trong đó có đoạn viết: “Sở dĩ có tình hình đặc biệt ở khu vực Việt Nam là do sự có mặt thường xuyên của khoảng trên dưới 8 vạn quân ta và vai trò của 20 vạn lực lượng hậu cần đối với khu vực phía Nam. Do đó tình hình kinh tế ở đây hỗn loạn đến cực độ…
Năm 1993, nhà nghiên cứu Saotome Katsumoto đã cho ra đời tại Nhật Bản cuốn sách “Ghi chép về 2 triệu người chết đói của Việt Nam” nhờ vào việc phỏng vấn nhân vật ở một số tỉnh thành như Thái Bình, Hải Phòng… và khảo sát nhiều tài liệu, báo chí tiếng Nhật. Tác giả cho biết khi nạn đói năm 1945 xảy ra ở Việt Nam 2 triệu người đã chết đói (trang 127). Tác giả cũng cho biết, trong cuốn lịch sử bậc trung học cơ sở của Nhật Bản do Nihon Shoseki xuất bản (phát hành năm 1993), phần về chiến tranh Thái Bình Dương cũng ghi nhận 2 triệu người Việt Nam chết đói.
Thêm vào đó, bước vào năm Thiên Hòa thứ 20, dự đoán đã có tới 30 vạn người chết đói vì trưng thu khá nhiều vật tư. Chính phủ Việt Nam (tức chính quyền Ngô Đình Diệm) tính con số đó là 1.000.000 người.
Ở Nhật Bản, có một số người phản đối Hiệp định bồi thường vì lý do chính trị đã tính số người chết đói ở vùng Bắc Bộ là 2.000.000 người.
Có lẽ hai con số đó có phần khuếch đại. Nếu tính cả những người thiếu dinh dưỡng trước lúc chết đói thì cũng có thể đạt tới con số như vậy. Ngoài ra, trong đó hàng vạn công nhân bị lao động cưỡng bức, chúng ta cũng không khó khăn gì mà có thể thấy được có khá nhiều người chết”.
GS Văn Tạo lập luận: “Nếu chỉ vì do thiếu dinh dưỡng hay bị cưỡng bức lao động khiến bị kiệt sức mà chết thì trong suốt hơn 80 năm thực dân Pháp thống trị, tình trạng trên vẫn thường xuyên xảy ra nhưng có bao giờ bị chết hàng triệu người trong một thời gian ngắn như vậy không? Còn nạn mất mùa năm 1944 là có thật. Nhưng nếu được đưa gạo từ miền Nam ra và không bị phát xít Nhật cướp đi thì không thể có nạn đói như vậy được” (trang 21 Nạn đói năm 1945-Những chứng tích lịch sử).
Cũng theo ông: “Chính quyền Ngô Đình Diệm không thể là đại diện chân chính cho nhân dân Việt Nam để nhận bồi thường được. Đấy là chưa nói về pháp lý đơn thuần thì nạn đói xảy ra ở miền Bắc chứ không phải ở miền Nam Việt Nam. Còn về khoản bồi thường, một nhà sử học Nhật Bản đã nói ở ngoài lề Hội thảo khoa học Hòa Bình châu Á và vai trò của Nhật Bản…tổ chức vào tháng 12/1992 ở Tokyo rằng khoản bồi thường quá ít ỏi, chỉ đủ mở một bữa tiệc khoản đãi nhau là hết.
Thực tế, như trong cuốn Chiến tranh châu Á trong tiềm thức của chúng ta, Giáo sư Yoshizawa Minami đã viết: “Khoản tiền bồi thường mà Chính phủ Nhật Bản đã đi đến thỏa thuận cuối cùng với chính quyền Ngô Đình Diệm là 39 triệu đô la (14 tỉ 40 triệu yên).
Nhưng vấn đề cốt lõi mà giới sử học hai nước Việt-Nhật quan tâm hơn cả không phải là vấn đề bồi thường, mà là chân lý lịch sử, tức là sự thật về nạn đói.Trong đó giả sử có khoảng một nửa (20 triệu đô la) là khoản bồi thường những thiệt hại về người chết đói theo tính toán của chính quyền Ngô Đình Diệm, mỗi người là 1.000 đô la thì Chính phủ Nhật Bản chỉ bồi thường cho 2 vạn người mà thôi”.
Còn theo GS Furuta Motoo phân tích: “Những con số đạt được trong suốt cuộc điều tra ở xã Tây Lương và thôn Lương Phú đã chỉ ra rằng tổng số người chết là 280.000 trên toàn tỉnh Thái Bình (hay 25% dân số) và 30.000 chết ở huyện Tiền Hải (30% dân số, được coi là huyện chịu nhiều thiệt hại nhất trong tỉnh Thái Bình) là thực sự có thể.
Tuy nhiên, vì cuộc điều tra không kiểm tra được mức độ điển hình của Lương Phúc đối với toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng nên rất tự nhiên là nó không thể có được những kết quả đáng thuyết phục về con số 2.000.000 người là nạn nhân của nạn đói năm 1945 ở Việt Nam”. Trích trang 225, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-Những chứng tích lịch sử.
Ngày 07/5/2012, ông đã có buổi thuyết trình về đề tài nạn đói năm 1945 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ông bảo, nhiều người Việt Nam biết đến sự kiện này và mức độ thảm họa của nó nhưng ở Nhật, trước khi cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” được công bố rất ít người biết hoặc có biết cũng không nghĩ đến nó tàn khốc như thế, chết nhiều đến như thế.
Bằng phương pháp nghiên cứu thực chứng và tư liệu điều tra trên quy mô nhiều làng từ Quảng Trị trở ra Bắc so với dân số vào thời điểm năm 1945, đoàn đã đi đến kết luận nạn đói này tương đương với nạn đói cuối thế kỉ 18 tại Nhật.
Hiện nay ở Nhật dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về số lượng nạn nhân bị chết đói năm 1945 ở Việt Nam nhưng đại đa số các nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này đều nhất trí rằng đó là một thảm họa, một số sách giáo khoa mới xuất bản cũng đã đề cập đến.
Video: Những tỷ phú chết đói ở một quốc gia châu Phi
Bình luận