Thoạt nhìn, nếu còn tin chuyện cổ tích, thì cây này vừa bị một bà tiên hay thầy phù thủy nào đó chạm đũa thần vào, đột nhiên hóa đá. Nhiều người dân địa phương hiếu kì đến xem, rồi cả nước đều biết đến nhờ phương tiện thông tin đại chúng.
Theo lời ông Hoàng Văn Ngọc, chủ nhân của cây cảnh này, nó từng được trả giá hàng triệu đô la Mỹ, vì vậy chúng tôi tạm gọi tắt nó là cây hóa đá Triệu Đô.
Kỳ 1: Chuyện ly kỳ xung quanh cây hóa đá Triệu Đô
Cuối năm 2011, trên đường trở về nhân chuyến đi công tác tại các huyện miền tây Thanh Hóa, chúng tôi ghé thăm thôn Tráng (xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), để được tận mắt thấy tay sờ vào cây cảnh Triệu Đô đang xôn xao dư luận.
Chủ nhân của Triệu Đô, một người đàn ông nhỏ nhắn tên là Hoàng Văn Ngọc (sinh năm 1954), ăn mặc khá giản dị, dè dặt đón tiếp chúng tôi trong căn nhà thấp, nhỏ hẹp, bên một bộ bàn ghế cũ kỹ và chiếc tủ chè lâu năm. Còn Triệu Đô thì “đứng” vững chãi trên một bệ sành đặt ngay cạnh bàn nước.
Cây hóa đá Triệu Đô đang được trưng bày tại nhà ông Ngọc |
Từ năm 1995, ông bắt đầu có thú chơi nhàn nhã là cóp nhặt sưu tầm những loại kỳ hoa dị thạch ở miền Tây xứ Thanh về xếp lổng chổng tại khu vườn nhà. Rồi thì chơi cây cảnh, ghép non bộ. Lại từng làm thầy cúng xách đồ nghề đi khắp vùng, nên ông được nghe khá nhiều câu chuyện huyền bí của người Mường, Thái… địa phương
Một hôm, vào năm 1998 hay 2000 gì đó mà ông Ngọc không nhớ rõ, bỗng có một người đàn ông dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa tới rủ ông đi xem pho tượng kỳ lạ tại vùng này. Cứ theo như lời người khách sơn tràng nọ kể, thì pho tượng này bằng đá, to cỡ cái phích, nằm trong hang đá chìm dưới nước, ban ngày thì tượng chìm xuống sông không dấu vết, nhưng ban đêm thì lại nổi lên bờ. Ông Ngọc cao hứng đi xem.
Một phần của Triệu Đô đang được gửi ở Hà Nội để nghiên cứu |
Cô con gái lớn của ông Ngọc là Hoàng Thị Nhung (SN 1985) cũng góp chuyện: “Hồi đó em đang học lớp 10 hay 11 gì đó, cùng bố và hai em trai đem đồ nghề đi theo người khách nọ đến hang núi. Đường đất thời đó chưa rải nhựa nên đi lại gian khổ lắm. Mọi người cùng đi bằng xe máy “sừng nghé” (xe Honda Cub 50 cũ), đèo theo lỉnh kỉnh cưa đá, đục đá, chạm, đe, búa…”.
Đến nơi thì cùng qua sông bằng bè mảng ghép từ những cây luồng. Cửa hang hẹp, lại mấp mé mép nước nên ai cũng ướt như chuột lột, may là mùa khô nên nó mới lộ ra, chứ mùa mưa thì nó ngập chìm trong nước. Hang không rộng lắm nhưng cũng đủ chỗ xoay xở, bên trong lại có ánh sáng vì có lỗ hổng lớn trên trần hang.
Lá cây Triệu Đô |
Vẫn theo lời cô gái trẻ có mấy năm đi học bên Trung Quốc này thì: “Khi cưa đục xong thì cái cây bị đổ, vỡ thành mấy mảnh. Mảnh tương đối nguyên vẹn là một mảng cành bám bên trái, thấy rõ như một cái cây thật với đầy đủ cành, lá, quả.
Còn mảng đá lớn hơn thì không đẹp bằng, nhưng ghép lại cũng là một chiếc cây tương đối hoàn thiện. Nếu không bị đổ vỡ, còn là khóm cây nguyên sơ như trong hang núi thì nó đẹp tuyệt vời, không bút nào tả được. Bố em cầu khấn thần rừng thần núi rồi xin đưa cây về nhà”.
Ông Hoàng Văn Ngọc, chủ nhân của Triệu Đô |
Theo lời ông Hoàng Văn Ngọc, cây đá cảnh khiến nhiều người dân hiếu kỳ trong vùng kéo đến xem nhộn nhịp. Ai cũng tấm tắc khen đẹp và kỳ lạ. Ban đầu ông Ngọc hào hứng lắm, suốt ngày tiếp khách khoe cây. Nhưng rồi khách đến đông quá, sợ có vị nào tắt mắt, ông Ngọc đành đem giấu đi cái nhánh cây đẹp nhất và nhỏ gọn đi nơi khác, chỉ cho khách xem “hòn non bộ” của mình.
Trong số đó có những vị khách tiền bạc rủng rỉnh, sẵn sàng dốc túi để ôm cây mang đi. Rồi thì khi quanh vùng đều xôn xao chuyện “ông Ngọc có cây hóa thạch tiền tỉ”, thì ông ít dám vắng nhà, đi đâu cũng vội vội vàng vàng trở về trông cây. Lâu dần, mệt mỏi, ông cho cây đi “sơ tán”, nói dối là đã trao tay cho ai đó.
Ông Ngọc và phần rễ của Triệu Đô bị đứt gãy khi đem cây đá từ trong hang về |
Nhưng theo ông Ngọc, đám thương lái thì không. Thời điểm đó, thương lái đòi mua cây đá của ông Ngọc nhiều nhất là người đến từ Lạng Sơn. Họ kiên nhẫn đi về thôn Tráng dập dìu, vác cả bao tải tiền, mềm mỏng năn nỉ, thuyết phục, chỉ chờ cái gật đầu của ông Ngọc.
Vị khách nào cũng vậy, cứ xem cây xong là sôi lên sùng sục, đòi ông quyết ngay. Người trả thấp thì cũng 3 triệu đô la Mỹ, sẽ chuyển trước vào tài khoản cho ông Ngọc yên tâm rồi mới vác cây đi sau. Cũng có người sẵn sàng đặt cọc khoản tiền rất lớn, cả đời người dân xóm núi như ông không mơ tới, chỉ mong khi nào ông hồi tâm chuyển ý thì gọi cho họ, rồi thì giá nào họ cũng lấy.
Ông Ngọc thú thực: “Khách Lạng Sơn qua lại nhiều lần lắm, nhưng tôi không bán. Tôi sợ cái kiểu giao dịch ấy, nó có vẻ giang hồ thế nào ấy, nên từ chối hết, giấu cây đi và bảo là đã bán rồi. Vả lại, nếu bán cho họ, khóm cây kiểu gì chẳng được tuồn sang nước ngoài.
Chả biết tôi được bao nhiêu tiền, con cái được sung sướng đến đâu, nhưng chắc ở nước ta không còn cái cây độc đáo này nữa. Đó không phải là mong muốn của tôi. Kiên quyết giữ là vậy, nhưng lúc đó tôi cũng sợ. Sợ nhất là an toàn tính mạng của mình và gia đình, vì khi người ta đã thèm muốn quá mức mà không được, dễ bất chấp thủ đoạn để chiếm giữ”.
Còn tiếp…
Lê Quân
Bình luận