(VTC News) - Ông Ban Ki-Moon sẽ không có thời gian rảnh để đi thăm một dòng họ nếu chẳng có gì liên quan, cũng như thắp hương khấn vái và để lại bút tích?
Kỳ 2 (Kỳ cuối): Sự thật chuyện ông Ban Ki-Moon có gốc gác Việt Nam?
Trong buổi trao đổi với phóng viên VTC News, ông Phan Huy Thanh cho biết, chuyến thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy ở thôn Thụy Khuê (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) của ông Ban Ki-Moon cũng đã được một chuyên viên truyền thông làm việc tại Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) ở Việt Nam xác nhận vào chiều 31/10 vừa qua.
Theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Ban Ki-Moon đã có chuyến sang thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 22 và 23/5/2015. Trong chuyến thăm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chào xã giao Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Ban Ki-Moon có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, tham gia Lễ Khánh thành Tòa nhà Xanh Liên Hợp Quốc, nói chuyện với với các sinh viên Học viện Ngoại giao, cán bộ ngoại giao trẻ và tham dự lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Thanh được biết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có yêu cầu cho ông đi việc cá nhân trong vòng 1 buổi, đồng thời yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh hay cung cấp bất cứ thông tin gì ra ngoài, cho nên, mọi việc đều được tuân thủ chặt chẽ. Phải mấy tháng sau, câu chuyện mới lộ ra ngoài.
Bút tích của ông Ban Ki-Moon tại nhà thờ Phan Huy |
Đã có rất nhiều lời đồn thổi xung quanh sự kiện ngày 23/5 ở thôn Thụy Khuê, nhất là việc ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc liệu có phải là hậu duệ của người Việt Nam? Dư luận có nhiều ý kiến cho rằng với cương vị của mình, Ông Ban Ki-Moon sẽ không có thời gian rảnh để đi thăm một dòng họ nếu chẳng có gì liên quan, cũng như thắp hương khấn vái và để lại bút tích.
Hơn nữa, với những hành động được ghi nhận trong chuyến viếng thăm, nhiều người bảo đó là hình ảnh của một người con, cháu về nhận lại tổ tiên, hơn là một phong cách đi ngoại giao của một nhân vật đức cao vọng trọng như ngài Tổng Thư ký.
|
Những ý kiến ấy không phải là suy diễn, nhất là ở một đất nước luôn đề cao chữ hiếu như Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thanh, phải có căn cứ chính xác, và phải có một thời gian nghiên cứu kỹ càng, lúc đó mới có thể khẳng định. Còn hiện tại, tất cả chỉ là đồn đoán.
PV: Ông có thể cho biết, trong chuyến viếng thăm đó, ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có giới thiệu gì về bản thân mình không? Hay bảo mình có nguồn gốc là người Việt Nam không?
Ông Phan Huy Thanh: Ông ấy không nói, hoặc giả sử có nói thì chúng tôi cũng không được biết, vì không thông thạo ngoại ngữ lắm, cũng không thấy phiên dịch bảo lại.
Chúng tôi cũng đã nhóm họp và tìm hiểu rất kỹ trong gia phả của dòng họ Phan Huy và những câu chuyện liên quan thì không hề có một dòng ghi chép về bất cứ một người nào trong dòng họ có liên quan đến Hàn Quốc cả.
Cũng có thông tin bảo rằng, ông Ban Ki-Moon đã có lần thổ lộ, ông là đời sau của cụ Phan Huy Chú. Cụ Phan Huy Chú trước có đi sứ bên Trung Quốc, có giao lưu với đoàn sứ bộ của Triều Tiên, xướng họa thơ văn với các sứ thần Triều Tiên và để lại thơ văn đến tận bây giờ. Tuy nhiên, nghe thì chỉ nghe thế thôi, còn thực tế như thế nào thì chúng tôi cũng không thế trả lời được.
Ông Phan Huy Thanh cho biết, hiện tại tất cả chỉ là suy diễn, không có căn cứ |
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không có quan hệ họ hàng, ông Ban Ki Moon sẽ chẳng bỏ thời gian vào thăm nhà thờ họ Phan, mặt khác với vai trò là một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, họ phải có một căn cứ nào đó chắc chắn mới có sự kiện này?
Ông Phan Huy Thanh:Trong chúng tôi cũng có người có suy nghĩ như thế, nhưng đó chỉ là suy diễn cá nhân, chứ không hề có kiểm chứng. Muốn khẳng định có phải hay không, tôi nghĩ phải tìm hiểu rất kỹ về thân thế của ông Ban Ki-Moon, tức là cũng phải xem gia phả của dòng họ ông ấy. Mặt khác cũng phải tìm hiểu những câu chuyện có liên quan ở Việt Nam, kết hợp và đối chiếu tìm xem có liên hệ gì không? Nếu có thì lúc đó mới có thể nói chuyện được.
Trong dòng họ của chúng tôi cũng có một chi nhánh loạn lạc, họ di tản và nhận làm con nuôi của dòng họ khác. Đến khi người ta tìm về, có bảo cụ tổ để lại mấy chữ: “Về nhà thờ làng Thụy Khuê, có đôi câu đối thì đấy là dòng họ mình”.
Người ta đi tìm ở phố Thụy Khuê ở nội thành Hà Nội, sau đó đến năm 1982, kỷ niệm ngày sinh cụ Phan Huy Chú, người ta mới biết có làng Thụy Khuê ở đây, và tìm về. Sau đó, qua khảo sát nghiên cứu một thời gian, người ta mới khẳng định được sự việc có thật.
Giờ, phải xem gia phả bên Hàn Quốc như thế nào, về ngồi đây, ghép 2 gia phả với nhau, thì mới biết được. Nói ngắn gọn, quá trình nhận họ cũng phải rất kỳ công, kỹ lưỡng, yêu cầu cực kỳ chính xác, không nghe đồn đoán. Cho nên đến giờ, tất cả cũng chỉ là suy diễn.
Ông Ban Ki-Moon trong chuyến thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy ngày 23/5/2015 |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc xem Thế Thứ Đồ của dòng họ Phan Huy |
PV: Nếu đúng ngài Tổng thư ký là hậu duệ của dòng họ mình?
Ông Phan Huy Thanh: Tôi không dám nói ông ấy thuộc dòng họ của mình, bởi vì tôi chỉ biết ông ấy là một người con của dòng họ Phan, mà dòng họ Phan thì khá đông đúc. Nếu như ông ấy có bảo dòng họ Phan Huy chẳng hạn, thì giữa hai bên lại gần nhau hơn một tý, và để chắc chắn hơn thì chúng ta cần có bằng chứng. Bản thân dòng họ chúng tôi cũng là một dòng họ có tên tuổi từ xưa tới nay, cho nên tất cả đều phải cân nhắc kỹ lưỡng.
PV: Là một trong những người tiếp đón hôm ấy, ông có đánh giá sơ bộ như thế nào về con người của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc?
Ông Phan Huy Thanh:Qua những động tác như ông Ban Ki-Moon bắt tay ai cũng cảm ơn, ra bế 2 cháu nhỏ trong dòng họ, rồi lúc ông trên đường ra về, tình hình không còn nghiêm mật như lúc trước nữa, câu chuyện cũng rộng rãi hơn, dân tình người ta xúm đến, ông cũng bắt tay và chào hỏi mọi người, tôi cảm thấy ông ấy là một con người rất lịch sự, tử tế, luôn thân thiện và tôn trọng tất cả mọi người, tự nhiên như là không có khoảng cách giữa một nhân vật tối quan trọng với những người dân bình thường như chúng tôi.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hải Minh
Bình luận