• Zalo

Sự thật chuyện lợn ở Đồng Nai thoát dịch tả lợn châu Phi nhờ ăn bã rượu

Thời sựThứ Sáu, 13/09/2019 22:23:00 +07:00Google News

Thông tin đàn lợn của bà Đỗ Thị Nhung (Đồng Nai) khỏi bệnh tả lợn châu Phi nhờ ăn bã rượu đã có phản hồi từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 13/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết: "Sau khi có thông tin về trường hợp lợn ăn hèm rượu (bã rượu) ở Đồng Nai có thể chữa khỏi dịch tả lợn châu Phi, tôi đã giao cho Cục Thú y đánh giá kiểm nghiệm lại nhưng không phải".

Ông Tiến lý giải, trong quá trình xảy ra dịch bệnh, sức đề kháng tự nhiên của quần thể vật nuôi được nâng lên khiến độc lực của virus không thể gây bệnh cho con vật. Đồng thời, quá trình triển khai an toàn sinh học sẽ giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng, vượt qua được giới hạn của độc lực, giúp vật nuôi tồn tại và phát triển.

ba ruou

 Bà Nhung bên đàn heo sau được cho là khi ăn hèm đã hết nhiễm dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Cũng theo ông Tiến, trong 7 tháng qua đã có rất nhiều mô hình làm tốt an toàn sinh học và giữ được đàn lợn. Đơn cử như ở Đồng Nai, với quy mô gần 3 triệu con lợn nhưng số lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi chỉ khoảng 4% tổng sản lượng.

"Tại Đồng Nai, khi xảy ra dịch bệnh thì người ta áp dụng biện pháp an toàn sinh học trên đàn lợn giống cụ kỵ. Hiện giờ đã qua 30 ngày nhưng hơn 5.000 con lợn này vẫn khỏe mạnh" - ông Tiến dẫn chứng.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin đàn lợn 15 con của bà Đỗ Thị Nhung ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai sau khi nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã lành bệnh do được cho ăn hèm.

Bà Nhung cho biết, gia đình bà có hai khu chuồng trại nuôi 54 con lợn, trong đó khu 1 nuôi 39 con trong rẫy cách nhà hơn 1km. Khu 2 có 15 con nuôi tại nhà.

Ngày 22/7, sau khi đàn lợn nuôi tại khu 1 sốt, bỏ ăn, có dấu hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi, bà Nhung đã báo chính quyền địa phương và ngành thú y lấy mẫu, gửi xét nghiệm. Ba ngày sau, cơ quan chức năng thông báo số lợn trên dương tính với virus dịch tả heo châu Phi. 39 con lợn tại khu 1 bị tiêu hủy theo quy định.

Tiếp đó, ngày 31/7, lợn tại khu nuôi 2 lại bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, lần này bà xin giữ lại để tiếp tục theo dõi. Bà cho lợn ăn hèm rượu kết hợp đổ hèm nóng ra nền chuồng và hun khói bằng mùn cưa để giữ ấm. Qua thời gian theo dõi, gia đình thấy đàn lợn ăn uống trở lại và dần hồi phục, xét nghiệm lại có kết quả âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn