• Zalo

Sự thật bất ngờ về thuốc giả đáng sợ hơn bạn nghĩ

Đời sốngThứ Năm, 31/08/2017 08:02:00 +07:00Google News

Theo các chuyên gia y tế, thuốc giả, thuốc kém chất lượng dù có những thành phần như thuốc thật nhưng hàm lượng thường bị cao hoặc thấp hơn, nếu sử dụng nhầm sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe con người.

Từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2017, Cục Quản lý dược Việt Nam đã có văn bản thu hồi hơn 30 lô thuốc không đảm bảo chất lượng, cũng như phát hiện ra nhiều loại thuốc bị làm giả như: thuốc Prednisolon 5mg lọ 500 viên nén viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gút cấp, viêm khớp vảy nến, viêm loét đại tràng và viêm da….rất đa dạng về chủng loại.

Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa phản ánh hết được “tình trạng thật” của thuốc giả trên thị trường hiện nay. Nhiều chuyên gia cho biết, kỹ thuật công nghệ làm giả thuốc đang ngày càng tinh vi hơn, rất khó để bệnh nhân phát hiện được thật giả chỉ qua mắt thường hoặc bao bì bên ngoài.

thuoc-gia

Nhiều chuyên gia cho biết, kỹ thuật công nghệ làm giả thuốc đang ngày càng tinh vi hơn

Thuốc giả là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), định nghĩa thuốc giả như sau: "Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".

Như vậy theo định nghĩa của WHO, thuốc giả bao gồm cả thuốc kém chất lượng - là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng theo tiêu chuẩn.

Hiểm họa khôn lường khi sử dụng thuốc giả

Sử dụng thuốc giả sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất và các hãng dược phẩm chân chính.

a) Với các hãng dược phẩm uy tín

Khi thuốc bị làm giả, người tiêu dùng khó có thể phát hiện được bởi trên nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì thuốc được làm giả giống y như thật.

Bệnh nhân sẽ nhầm lẫn thuốc “giả” này là do hãng dược “thật” làm ăn sơ suất dẫn đến giảm hoặc mất chất lượng. Từ đó, họ mất sự tin tưởng vào các đơn vị dược phẩm làm ăn chân chính mà trước đây họ từng tin cậy và yêu mến.

thuoc-gia

Sử dụng nhầm thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn “mua” thêm nhiều bệnh vào người. Ảnh minh họa.

b) Với sức khỏe con người

Các bác sĩ tại Trung tâm chống độc cho biết, bệnh nhân khi sử dụng nhầm thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn “mua” thêm bệnh vào người. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên đến 1/10. Trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.

Cơ thể sẽ gặp tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc ở các cấp độ khác nhau. Nhẹ nhất là buồn nôn, tiêu chảy…nặng hơn có thể đe dọa tính mạng như sốc phản vệ.

Nếu là ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng sẽ gây suy gan, suy thận, suy tim, nhiễm trùng máu, khó thở…thậm chí là tử vong.

Một số trường hợp thuốc giả còn gây ra tình trạng vô hiệu hóa các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, phải dùng thuốc suốt đời như tăng huyết áp, đái tháo đường….mà dùng nhầm thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhưng hoạt chất, tá dược trong thuốc không tinh khiết, lẫn độc thì bệnh nhân có thể tử vong.

Loại thuốc hay bị làm giả nhất là thuốc kháng sinh. Khi sử dụng không thể tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh. Từ đó, vi khuẩn trở thành chủng đề kháng mà kháng sinh đã sử dụng trước đó không còn tác dụng. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng đừng quá hoang mang vì hệ thống phòng ngừa, ngăn chặn thuốc giả của nước ta rất tốt và thường xuyên phát hiện ra những lô thuốc giả đang lưu hành trên thị trường.

Video: Thứ trưởng Bộ Y tế - 'Thuốc H-Capita nhập lậu không phải là thuốc giả'

Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, để tránh bị “tiền mất tật mang” khi sử dụng nhầm thuốc giả, người tiêu dùng có thể lưu ý những việc làm sau:

  • Chỉ mua thuốc ở địa chỉ uy tín, tin cậy tuyệt đối. Không mua thuốc xách tay, thuốc bán qua Internet không rõ nguồn gốc từ các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này.
  • Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, dạng bào chế (viên nén, viên nang…), mùi vị khi uống. Nếu có sự nghi ngờ, nên nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
  • Luôn kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng. Cảnh giác với các loại thuốc có giá thấp bất thường.
  • Tìm hiểu và sử dụng các công nghệ xác minh, tem chống hàng giả để tránh mua phải hàng giả, chủ động bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình.
Cô Tấm (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn