"Chúng tôi nhận thấy đó là tín hiệu thực, đáng tin cậy, rằng con đực đang truyền đi thông tin về kích thước cơ thể chúng", Edward Wright, đồng tác giả của nghiên cứu từ Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức cho biết.
Wright và các cộng sự nghiên cứu về cách sáu con khỉ đột núi đực trưởng thành Công viên quốc gia Volcanoes ở Rwanda đập ngực.
Họ ghi lại 36 lần sáu con khỉ này đập ngực trong khoảng thời gian từ tháng 11/2015 tới tháng 7/2016 và phân tích các đoạn ghi âm.
Kết quả, thời gian, số lần đập và tốc độ đập không liên quan tới kích thước của con khỉ. Nhưng tần số âm thanh phát ra tỷ lệ nghịch với kích thước của con khỉ. Tức là con khỉ càng lớn thì tần số âm thanh càng thấp. Trong khi đó, kích thước có thể phản ứng năng lực chiến đấu của từng con khỉ.
Nhóm nghiên cứu kết luận đập ngực có thể là cách hữu ích để con đực truyền tải thông tin về kích thước cơ thể. Điều này giúp chúng tránh những trận đối đầu nguy hiểm với những con có kích thước lớn hơn.
"Những con nhỏ hơn hiều rằng: Đúng. Anh lớn hơn. Chả dại gì mà tôi chống lại anh vì tôi dễ bị đánh bại. Tôi có thể bị thương. Điều này chẳng mang lại lợi lộc gì cho tôi nên tôi sẽ rút lui"', Wright cho biết.
Dù vậy, nhóm của Wright vẫn chưa thể tìm ra lý do vì sao những con đực lớn hơn đập ngực sẽ tạo ra âm thanh có tần số thấp hơn.
Giả thiết hiện tại của họ là thể tích lồng ngực; kích thích bàn tay hay túi khí quản có thể ảnh hưởng tới tần số.
Theo Wright, tiếng đập ngực đặc biệt hữu ích bởi những con khỉ khó có thể quan sát nhau bằng mắt thường trong những cánh rừng rậm rạp. Trong khi đó, tiếng đập có thể vang xa hơn 1 km.
Bình luận