Thua lỗ liên miên
Là đứa con đầu lòng của nền công nghiệp non trẻ, cùng với 13 cơ sở công nghiệp khác ra đời trong kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa khi nửa nước còn bị chia cắt, Công ty Sứ Hải Dương vốn là một trong những đơn vị đem lại doanh thu lớn cho tỉnh Hải Dương cũng như tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động.
Ngay từ năm đầu tiên đi vào sản xuất, Sứ Hải Dương đã sản xuất được 1.580.723 sản phẩm với giá trị 731.368 đồng. Liên tiếp những năm sau đó, doanh thu của công ty tăng trưởng khá cao. Năm 2003 Công ty đạt sản lượng 24 triệu sản phẩm, chất lượng cũng được nâng cao, đời sống cán bộ công nhân viên được cải thiện.Công ty Sứ Hải Dương . Ảnh: Dân trí
Từ một doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh nhưng sau khi cổ phần hóa, nhiều năm liền công ty đã làm ăn thua lỗ. Ngày 7/5/2004, công Sứ Hải Dương thực hiện việc cổ phần hóa và chuyển thành Công ty cổ phần sứ Hải Dương với vốn điều lệ là hơn 21 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông tổ chức ngày 26/4/2008, nhân sự của Nhà máy chỉ còn khoảng 1/3 với khoảng hơn 400 lao động trong tình cảnh bấp bênh với mức thu nhập trung bình khoảng 1,1 triệu đồng/người/tháng...
Đến nay, công ty Cổ phần Sứ Hải Dương có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó SCIC có tỷ lệ sở hữu 36%, công ty Carin (mà đại diện là các lãnh đạo chủ chốt tại Sứ Hải Dương hiện nay) nắm 31%, còn lại là các cổ đông khác.
Thị phần của Sứ Hải Dương chỉ chiếm 1,5% |
Hiện nay SCIC đã rục rịch làm các thủ tục bán phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương theo quy định. Cơ quan này đã thuê công ty chứng khoán làm đơn vị tư vấn bán vốn.
Việc thoái vốn của SCIC trong thời điểm công ty này đang làm ăn thua lỗ như hiện nay là một điều vô cùng bất lợi. Vì vậy, ngày 9/10, Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương đã có văn bản “kêu cứu” gửi các cơ quan chức năng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đỗ Hà, Tổng giám đốc Sứ Hải Dương, cho rằng việc thoái vốn nhà nước tại Công ty mà SCIC đại diện và quản lý là chủ trương đã định và sẽ thực hiện, nhưng không hợp lý ở thời điểm này do bối cảnh thoái vốn không bình thường.
Và nếu SCIC thoái vốn thì ai sẽ là “ông chủ” mới của thương hiệu này. Điều mà hàng trăm công nhân gắn bó lâu năm với Sứ Hải Dương đang trăn trở là liệu khi Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương nằm trong tay một ông chủ mới, họ có còn quan tâm, duy trì, phát triển thương hiệu “Sứ Hải Dương” nữa không, hay để thương hiệu này ngày càng mai một trong tâm trí người tiêu dùng.
Thị phần chỉ chiếm…1,5%
Được coi là một thương hiệu mạnh về gốm sứ, nhưng thị phần của sứ Hải Dương chỉ chiếm 1,5% thị phần trên thị trường gốm sứ. Một con số vô cùng khiêm tốn của một thương hiệu lớn.
Theo số liệu thống kê cập nhật đến ngày 16/11/2012 do một chuyên gia gốm sứ cung cấp, hiện trên cả nước có tổng số 286 cơ sở sản xuất đồ gốm sứ gia dụng lớn, nhỏ của Việt Nam, đạt tổng doanh số 1.677 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tổng doanh số toàn thị trường gốm sứ gia dụng Việt Nam đạt bình quân khoảng 5.600 tỷ đồng/năm, như vậy các cơ sở sản xuất trong nước chỉ chiếm 30% thị phần.
Sứ Hải Dương - một thương hiệu nổi tiếng miền Bắc đã tồn tại hơn 50 năm nay cũng có sản lượng trung bình khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng, với mức giá bán bình quân 7.000 đồng/sản phẩm. Như vậy, công ty này có doanh số 7 tỷ đồng/tháng và tổng doanh số năm là 84 tỷ đồng, chiếm 1,5% thị phần.
Tại Hải Dương, hiện nay có 1 cơ sở lớn có sản lượng khoảng 700.000 sản phẩm/tháng và 5 cơ sở nhỏ có sản lượng 30.000 sản phẩm/tháng. Với giá bán trung bình 6.000 đồng/sản phẩm ở cơ sở lớn và 4.000 đồng/sản phẩm ở 5 cơ sở nhỏ, suy ra doanh số lần lượt sẽ là 4,2 tỷ đồng/tháng/cơ sở lớn và 120 triệu đồng/tháng/cơ sở nhỏ.
Như vậy, tổng doanh số của 1 cơ sở lớn ở Hải Dương đạt 50,4 tỷ đồng/năm và chiếm 0,9% thị phần, trong khi tổng doanh số của cả 5 cơ sở nhỏ đạt 7,2 tỷ đồng/năm, chiếm 0,1% thị phần.
Theo ông Nguyễn Đỗ Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương, về sản lượng các cơ sở sản xuất nội địa bị hạn chế bởi truyền thống sản xuất thủ công, đòi hỏi tay nghề người thợ cao. Tính mùa vụ của nghề này cũng cao, một năm có 6 tháng không đủ hàng bán, 6 tháng kia lại luôn dư thừa hàng.
Ông Hà nói, thậm chí năm 2011 có một số cửa hàng gốm sứ ở Hải Dương chỉ mở cửa bán hàng từ 10-11 giờ sáng và nghỉ từ 16-17 giờ chiều. Năm nay có khu chợ chuyên bán đồ sứ còn phủ bạt nghỉ cả tuần vì vắng khách. Hơn nữa, một bất lợi khác của hàng nội là giá thành sản phẩm còn cao do mỗi cơ sở phải tự thực hiện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quy trình sản xuất.
Các cơ sở còn phải làm cả chuỗi 50-100 loại sản phẩm đủ cho sử dụng trong gia đình và thị hiếu khác nhau của nhiều gia đình. Hệ thống phân phối hàng trong nước cũng bị xé lẻ.
Châu Anh
Bình luận