• Zalo

Sử gia bác bỏ 'chứng cứ' của Trung Quốc

Thời sựChủ Nhật, 08/06/2014 10:30:00 +07:00Google News

GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng, về mặt bằng chứng pháp lý và lịch sử, lẽ phải thuộc về Việt Nam: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam.

GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, về mặt bằng chứng pháp lý và lịch sử, lẽ phải hoàn toàn thuộc về Việt Nam: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

- Thưa ông, Việt Nam mặc dù có nguồn tư liệu đồ sộ, nhưng hình như chúng ta chưa có công trình nào có tính chất hệ thống tất cả các nguồn tư liệu đó một cách bài bản nhất. Ông nhận định như thế nào về việc này?

Một thời gian rất dài chúng ta không chú ý lắm đến việc phổ biến cho nhân dân các công trình nghiên cứu khoa học của giới học giả về các chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa và Hoàng Sa thôi, chứ tư liệu thì nhiều lắm. Thành ra đôi khi nhân dân mình trong khi biểu hiện lòng yêu nước thì cũng có lúc băn khoăn, nhất là khi thấy Trung Quốc luôn nói rằng "chúng tôi có đầy đủ bằng chứng”.


Bởi vì trước đây, ta luôn luôn coi quan hệ với Trung Quốc là một mối quan hệ cần giữ gìn, chúng ta luôn luôn coi là nhạy cảm. Vì vậy nói gì cũng ngại động đến họ. Trong khi họ ứng xử ngược lại, không giống chúng ta! Việc nhóm Hàn Chấn Hoa âm thầm chuẩn bị cuốn sách "Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên” như tôi đã dẫn ra là một bằng chứng cho thấy họ đã hành xử ngược lại từ lâu rồi!

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội

- Thưa GS, gần đây mọi người hay nói đến 24 bộ sử của Trung Quốc không có gì liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. Thực hư chuyện này thế nào?

Trên thực tế, người Trung Quốc mới "xí” Hoàng Sa - Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trong mấy chục năm nay thôi nên trong 24 bộ Sử chính thống của họ không có. Nói một cách chuẩn xác nhất là trong cuốn sách "Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên”, nhóm Hàn Chấn Hoa không đưa ra được một dẫn chứng nào từ 24 bộ chính sử của Trung Quốc.

Như tôi nói trong bài trước, cho đến đầu thế kỷ 20, bản đồ chính thức của họ (trước năm 1948), cũng như của Phương Tây không có chữ Tây Sa, Nam Sa bao giờ hết. Cho nên mình không nên rụt rè, họ không "giỏi lắm” như mình tưởng hoặc "nhiều lắm” như họ vẫn đang tuyên bố đâu.

 
Trên thực tế, người Trung Quốc mới "xí” Hoàng Sa - Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trong mấy chục năm nay thôi nên trong 24 bộ Sử chính thống của họ không có. Nói một cách chuẩn xác nhất là trong cuốn sách "Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên”, nhóm Hàn Chấn Hoa không đưa ra được một dẫn chứng nào từ 24 bộ chính sử của Trung Quốc.
GS.TSKH Vũ Minh Giang
 
- Đó là lý do họ không muốn đa phương, quốc tế hóa vấn đề thưa ông?


Trung Quốc rất ghét đa phương, quốc tế hóa, rất ghét đưa ra trọng tài quốc tế là bởi vì họ chỉ giỏi nói to thôi. Nếu song phương thì họ có thể dỗ dành hoặc dọa nạt. Bao giờ họ cũng có thế hơn vì họ nhiều tiền, nhiều vũ khí nên họ thích song phương hơn. Đa phương thì họ đuối lý. Đó cũng là lý do tại sao dư luận thế giới, không phải việc của họ mà khi thấy Việt Nam bị xâm phạm người ta đã lên án Trung Quốc ào ào. Bởi vì về mặt khoa học, càng tìm tư liệu thì lại càng dày dặn chứng cứ cho thấy Việt Nam đúng.

Gần đây nhiều nhà khoa học thế giới cũng vạch ra cái vô lý của Trung Quốc nên họ đuối lý, nên họ cứ nói "chúng tôi có đầy đủ chứng cớ”, nhưng chứng cớ nào thì không đưa ra được.

Cho đến tận giữa thế kỷ 20, họ không có chứng cứ gì đâu. Nhưng, dù họ không có pháp lý nhưng tham vọng lại lớn. Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc hoàn toàn ỷ thế nước lớn, đưa ra yêu sách vô lý chẳng ai công nhận, để chiếm giữ những hòn đảo, quần đảo bằng vũ lực. Bây giờ lại đưa giàn khoan ra, đầy tàu chiến xung quanh, họ cậy đông họ làm thế.

- Trong khi mọi chứng cứ của các học giả Việt Nam và học giả quốc tế đều chứng minh chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam?

Ta không nói chuyện trước thế kỷ 17 như Trung Quốc vẫn nói từ tận thời Tây Hán, Đông Hán. Bởi vì nếu cứ chứng minh sớm quá như họ thì tôi nghĩ là không hiểu biết, chưa chắc lúc đó là có 2 quần đảo này đâu, nó chỉ là các bãi ngầm thôi.

Đặc điểm 2 quần đảo này là đảo san hô. Mà đảo san hô có cả kết tủa của sinh vật sống xung quanh, cho nên nó lớn dần lên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những lượng vật chất phù sa để làm cho những quần đảo này nhô nhanh lên là sự nối dài tài nguyên của hai hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long của Việt Nam. Công ước LHQ về Luật Biển có nói về chuyện đó, 2 quần đảo là sự nối dài tài nguyên của nước mình. Từ thế kỷ 17, hai quần đảo này xuất hiện trên các bản đồ hàng hải phương Tây gắn liền với tên gọi Chămpa, sau này là một bộ phận của nước Việt Nam.

Video: Học giả châu Âu ủng hộ Việt Nam khởi kiện ra tòa án quốc tế




Cho nên, Trung Quốc cứ nói từ trước công nguyên là nói vu vơ, không căn cứ vào đặc điểm của đảo san hô.
Phía Việt Nam chúng ta thì chứng cứ quá rõ. Rõ lắm! Các chứng cứ càng ngày càng dày dặn. Thế kỷ 17, ông Đỗ Bá có vẽ cái bản đồ đặt tên cho nó là "Bãi cát vàng” -  tức Hoàng Sa. Chỉ một tư liệu này thôi đã cho thấy từ thế kỷ 17 người Việt đã lui tới, vẽ bản đồ, đặt tên (rất Việt), khai thác và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo. Loại tư liệu có căn cứ xác đáng như vậy Trung Quốc không hề có.

Ở thế kỷ 18, ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục còn cho biết chính quyền Chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền thông qua việc tổ chức quy củ các đơn vị chuyên trách thực thi công vụ trên hai quần đảo (Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải).

Đặc biệt từ năm 1802 triều Nguyễn thành lập, xây dựng một chính quyền cai trị thống nhất từ Bắc chí Nam. Tiếp tục duy trì sự hiện diện và khai thác các nguồn lợi như các Chúa Nguyễn, các Hoàng đế triều Nguyễn còn đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chủ quyền lãnh hải và trên các đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.

Có thể nói đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo.

Năm 1950 chính phủ Pháp chuyển giao quyền quản lý hai quần đảo cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Rồi đến năm 1951, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền ở Hội nghị San Francisco, mà không có bất cứ sự phản đối nào trước lời tuyên bố đó.  

Như thế để nói rằng, Việt Nam có tất cả những chứng cứ về việc liên tục thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa suốt mấy thế kỷ cho đến tận năm 1974, và luôn tuyên bố về chủ quyền đó. Còn chủ quyền Trường Sa thì mình liên tục thực thi trong mấy thế kỷ cho tới ngày nay.

- Như vậy, nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế hoàn toàn yên tâm rằng về bằng chứng lịch sử và pháp lý, Trung Quốc không có gì để "đọ” với Việt Nam?

Về tính chính nghĩa thì Trung Quốc không "đọ” với mình được đâu. Chính vì ngay từ đầu nhiều năm qua chúng ta không chú trọng tuyên truyền, không công bố rõ ràng minh bạch nên dân mình có thể có lúc ngờ ngợ. Phải hiểu rằng giới học giả và chính khách Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác không bao giờ nói vu vơ, họ đọc tài liệu rất kĩ, các chuyên gia bên đó nghiên cứu sâu, họ biết hết nên họ mới thể hiện quan điểm rõ ràng trong vấn đề này như thế.

Những tài liệu nước ngoài còn lưu trữ tới ngày nay đều chứng minh tính chính nghĩa của Việt Nam. Từ thế kỷ 17, 18, 19, người phương Tây sang Việt Nam đều thể hiện trong các tư liệu, bản đồ cho thấy Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Những tư liệu đó nhiều lắm. Càng đi sâu tìm hiểu nghiên cứu càng thấy nhiều.

- Vậy việc tiếp theo của các học giả Việt Nam là gì để đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng chính các chứng cứ lịch sử của Việt Nam, của phương Tây và của chính phía Trung Quốc đưa ra?


Luận điệu của Trung Quốc là cãi lấy được, cho nên mình phải đưa ra những bằng chứng và lý luận đanh thép, chuẩn xác. Thứ hai, họ dùng vũ lực, sức mạnh nên mình có nói họ cũng chẳng nghe. Bây giờ là phải nói cho thế giới biết, thế giới nghe, nói cho nhân dân mình nghe. Hiện nay mình tranh thủ sự đồng lòng của nhân dân để có khối đại đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài để thể hiện sự chính nghĩa.

Mặt khác còn phải nghĩ rằng ta nói với nhân dân Trung Quốc để họ hiểu, nên cần có thêm những trang báo điện tử bằng tiếng Hoa để cho hơn 1 tỷ dân Trung Quốc hiểu họ không có "chứng cứ” gì hết, không phải hơn 1 tỷ dân Trung Quốc ai cũng "ngộ” được điều này đâu.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
vtcnews.vn