Trong nhóm trò chuyện với các bạn cùng lớp ở trường y hôm 30/12, bác sỹ Li Wenliang cố gắng cảnh báo bạn mình về căn bệnh bí ẩn khiến 7 bệnh nhân mắc bệnh tại bệnh viện mình làm việc.
"Thật đáng sợ", một người trong nhóm hồi đáp, lo ngại cơn ác mộng SARS 17 năm trước quay lại.
Nửa đêm, các quan chức y tế Vũ Hán triệu tập Li, yêu cầu ông cho biết vì sao lại chia sẻ thông tin này. 3 ngày sau, Li ký vào một tuyên bố trong đó thừa nhận cảnh báo của mình cấu thành hành vi bất hợp pháp.
Căn bệnh mà Li nhắc tới là dịch viêm phổi cấp đang lây lan chóng mặt, cướp đi sinh mạng của 305 người Trung Quốc và lây nhiễm cho hơn 14.642 trên toàn thế giới.
Nhiều người Vũ Hán cho tới nay vẫn không ngừng chỉ trích chính quyền che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Các chuyên gia y tế tin rằng việc Trung Quốc không mạnh mẽ đưa ra các cảnh báo khiến Bắc Kinh đánh mất một trong những cơ hội tốt nhất để ngăn chặn căn bệnh bí ẩn trở thành đại dịch.
Yanzhong Huang, một thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Trung Quốc nói rằng Sở y tế Vũ Hán ban đầu không đưa ra bất cứ hành động nào để cảnh báo mọi người về mối đe dọa.
Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên cho tới nay vẫn chưa xác định được ngày tháng cụ thể. Người ta chỉ biết một công dân Vũ Hán nhiễm virus corona mới vào một ngày nào đó đầu tháng 12.
Gần 2 tháng sau, nó trở thành tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu, kéo theo các hạn chế du lịch trên khắp thế giới, làm rung chuyển thị trường tại chính và tạo ra thách thức lớn chưa từng có với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Những ca nhiễm đầu tiên
Vào ngày cuối cùng của năm 2019, sau khi tin nhắn của Li được chia sẻ ra bên ngoài nhóm, giới chức tìm cách kiểm soát các thông tin liên quan. Đầu tháng 1, cảnh sát thông báo đang điều tra 8 người lan truyền thông tin thất thiệt và dịch bệnh.
Cùng ngày hôm đó, Ủy ban y tế Vũ Hán thông báo 27 người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân. Về phần mình, Li quay trở lại làm việc sau khi bị khiển trách. Hôm 10/1, Li điều trị cho một phụ nữ bị tăng nhãn áp.
Ông không hề biết bà này nhiễm virus corona từ con gái mình. Cả hai sau đó đều bị xác nhận mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới gây ra, Li cũng vậy.
Tại chợ hải sản Hoa Nam, nơi bùng phát dịch bệnh, nhiều người cảm thấy bất thường từ cuối tháng 12.
Hu Xiaohu, một người bán thịt lợn cảm thấy không ổn khi nhiều người buôn bán trong chợ bắt đầu ốm và sốt dai dẳng.
Chợ Hoa Nam, ngoài hải sản còn buôn bán đủ các loại động vật hoang dã từ kỳ nhông cho đến chó sói, cầy hương hay dơi. Theo báo cáo từ trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố, vệ sinh tại khu chợ này không đảm bảo, hệ thống thông gió kém, rác thải thường xuyên chất đống trên sàn nhà ẩm ướt.
Tại bệnh viện, các bác sỹ và y tá bối rối khi thấy một nhóm bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi. Họ cũng sớm nhận ra các bệnh nhân đều đến từ chợ Hoa Nam.
Vào ngày 1/1, cảnh sát bắt đầu xuất hiện quanh khu chợ cùng với các quan chức y tế trước khi đóng cửa nó. Tân Hoa xã đưa tin khu chợ được cải tạo, nhưng ngay trong sáng hôm đó, các nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ tới Hoa Nam phun thuốc khử trùng.
Đối với công chúng, đó là phản ứng đầu tiên của chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này. Một ngày trước đó, giới chức Trung Quốc cảnh báo Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Bắc Kinh về một dịch bệnh.
Vào thời điểm đó, các quan chức thành phố vẫn tỏ ra lạc quan trong các thông báo. Họ nói đã kiểm soát nguồn lây lan của của virus bên trong chợ Hoa Nam và không có bằng chứng cho thấy virus lây từ người sang người.
"Giữ lạc quan và tự tin khi bạn không có dữ liệu và một chiến lược hết sức nguy hiểm. Sức khỏe của cộng đồng phụ thuộc niềm tin của công chúng", Jac Phelan, giảng viên khoa vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Georgetown cho hay.
9 ngày sau khi chợ đóng cửa, một người đàn ông hay mua đồ tại đây trở thành người đầu tiên thiệt mạng vì virus corona. Tuy nhiên, phải tới 2 ngày sau chính quyền mới tiết lộ thông tin này. Vợ của Zeng cũng qua đời vài ngày sau đó, bà này chưa bao giờ tới chợ.
Gấp rút truy tìm "kẻ giết người"
Cách Hoa Nam khoảng 30 km, các nhà khoa học tại Viện virus Vũ Hán nghiên cứu mẫu từ các bệnh nhân nhiễm bệnh trong thành phố.
Khi công chúng vẫn còn mù mờ thông tin, Zheng-Li Shi và các đồng nghiệp tại Viện này đồng ý với nhau rằng dịch bệnh mới có liên quan tới SARS.
Cùng thời gian đó, Li và các chuyên gia y tế khác ở Vũ Hán bắt đầu đưa ra cảnh báo tới các đồng nghiệp và những người khác khi mà chính quyền chưa làm vậy.
Lu Xiaohong, trưởng khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Thành phố số 5 nói cô bắt đầu nghe các nhân viên y tế râm ran về căn bệnh này từ ngày 25/12, tròn 3 tuần trước khi chính quyền thừa nhận về nó.
Cô không công khai những lo lắng của mình, nhưng ngầm cảnh báo một trường học gần một khu chợ khác
Tới tuần đầu tiên của tháng 1, khoa cấp cứu của Bệnh viện số 5 đông nghịt bệnh nhân, nhiều trong số đó là các thành viên trong một gia đình, điều khiến nhiều người tin rằng dịch viêm phổi cấp lây từ người sang người. Thông tin này tới giữa tháng 1 mới được Cơ quan y tế thành phố Vũ Hán xác nhận.
'Không ai nhận ra nó trở nên trầm trọng tới mức độ nào cho tới khi quá muộn để ngăn chặn nó. Tôi nhận ra là chúng tôi đã đánh giá thấp kẻ thù", cô nói.
Tại Viện virus, Shi và đồng nghiệp phân lập trình tự di truyền vào chủng virus từ 7 mẫu thu được của các bệnh nhân đầu tiên. 6 trong số đó bán hàng tại Hoa Nam.
Vào ngày 7/1, các nhà khoa học của Viện xác nhận sự tồn tại của một loại virus mới và đề cập nó là 2019-nCoV. 4 ngày sau, họ chia sẻ cấu trúc di truyền của virus này tới các nhà khoa học khác trên thế giới, bước đi quan trọng để nghiên cứu vaccine phòng bệnh.
Sự im lặng đáng sợ
Các quan chức Vũ Hán cũng như nhiều lãnh đạo tại các thành phố khác đều không công khai đề cập tới sự bùng phát của dịch bệnh.
Thậm chí hôm 19/1, 4 ngày trước khi bị phong tỏa, Vũ Hán vẫn tổ chức một bữa tiệc lớn với hơn 40.000 gia đình tham gia. Nhiều chuyên gia y tế chỉ trích giới chức địa phương đã quá coi nhẹ dịch bệnh.
Ủy ban Y tế vẫn cập nhật hàng ngày về dịch bệnh, nói rằng không có trường hợp nào nhiễm mới, không có bằng chứng chắc chắn về lây truyền từ người sang người.
Các quan chức cũng yêu cầu các bác sỹ tại một bệnh viện hàng đầu thành phố không nên sử dụng những từ ngữ phóng đại quá đà về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Thậm chí, bác sỹ Vương Quảng Phát, chuyên gia về hô hấp có tiếng tại Trung Quốc còn tuyên bố có thể kiểm soát được dịch. Vài ngày sau tuyên bố này, ông bị xác nhận nhiễm bệnh.
"Nếu không có trường hợp nhiễm bệnh nào trong vài ngày tới, dịch bệnh đã chấm dứt", ông Guan Yi giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong nói hôm 15/1.
Các tuyên bố của WHO giai đoạn này cũng lặp lại những lời trấn an từ các quan chức Trung Quốc.
Nhưng sau đó, dịch bệnh lan rộng trên toàn Trung Quốc và các nước trên thế giới.
Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ngoài Trung Quốc được ghi nhận tại Thái Lan hôm 13/1.
Chỉ tới khi đó, giới chức lãnh đạo ở Bắc Kinh mới ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Ông Zhong Nanshan, người có công lớn trong cuộc chiến chống SARS được điều động tới Vũ Hán để đánh giá tình hình.
Vào thời điểm ông Zhong tới hôm 18/1, giọng điệu của các quan chức địa phương thay đổi rõ rệt. Một hội nghị về sức khỏe tại tỉnh Hồ Bắc trong ngày hôm đó kêu gọi các nhân viên y tế đặt dịch bệnh lên làm ưu tiên trước nhất. Một tài liệu nội bộ của một bệnh viện tại Vũ Hán cảnh báo nhân viên của họ rằng virus corona có thể lây lan qua đường nước bọt.
Thời khắc bước ngoặt: 14 nhân viên y tế bị lây nhiễm
Hơn 1 tháng sau khi các triệu chứng bệnh đầu tiên lan rộng, người dân Trung Quốc chìm trong lo lắng và khủng hoảng. Tồi tệ hơn, 1 bệnh nhân đã lây nhiễm virus cho ít nhất 14 nhân viên y tế.
Hôm 20/1, Chủ tịch Tập trong tuyên bố công khai đầu tiên về dịch đưa ra một tuyên bố ngắn gọn kêu gọi kiên quyết ngăn chặn sự lây lan. Vào thời điểm số người chết vì dịch là 3. Trong hơn 10 ngày sau đó, nó tăng lên tới 304.
Ông Guan, người trước đó hết sức lạc quan thừa nhận dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ngày 23/1, Vũ Hán bị phong tỏa, bước đi đầu tiên trước khi hàng loạt thành phố có động thái tương tự.
Tại Vũ Hán, người dân nói họ không nắm được mức độ nghiêm trọng của dịch trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Trong đêm 23/1, đám đông quây kín sân bay và nhà ga để rời đi trước khi lệnh cấm phương tiện giao thông công cộng có hiệu lực vào 10h sáng.
Sau cuộc phỏng vấn với CCTV hôm 22/1, thị trưởng Zhou Xianwang của Vũ Hán đối mặt với làn sóng kêu gọi từ chức sau tuyên bố chính quyền thành phố không nhận thức được sự nguy hiểm của virus corona khi dịch bệnh viêm phổi bắt đầu xuất hiện.
Ông Zhou nói với tư cách là một quan chức địa phương, ông không có thẩm quyền công bố thông tin nghiêm trọng khi chưa nhận được sự phê duyệt của cấp trên.
“Là một quan chức cấp địa phương, sau khi nắm được thông tin, tôi phải có sự đồng ý (từ cấp cao hơn) trước khi có thể công bố tới công chúng", Zhou nói.
Giống như Zhou, nhiều quan chức khác ở các cấp độ khác nhau tìm cách đổ lỗi cho phản ứng của chính phủ.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang trở nên ngày càng tồi tệ, các cảnh báo như của Li giờ đã không còn bị coi là lan truyền thông tin thất thiệt. Một bài bình luận đăng tải trên tài khoản truyền thông xã hội của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc chỉ trích cảnh sát vì điều tra người dân lan truyền tin đồn.
"Virus corona mới có thể đã được ngăn chặn và kiểm soát tốt hơn nếu công chúng tin vào tin đồn và bắt đầu đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp vệ sinh và tránh các chợ động vật hoang dã", bài đăng viết.
Li đang hồi phục sau một thời gian điều trị. Ông nói bản thân cảm thấy bất bình trước hành động của cảnh sát.
"Nếu các quan chức thông tin về dịch bệnh trước đó, tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Cần có sự cởi mở và minh bạch", Li nói.
Bình luận