2 tuần trước, Sri Lanka đã mua hơn 90.000 tấn dầu thô của Nga để khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của mình. Tuy nhiên, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết quốc gia này vẫn cần thêm một lượng lớn nhiên liệu.
Sri Lanka đang nỗ lực bổ sung dầu và than từ các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông. Nhưng họ vẫn phải mua thêm từ Nga nếu không đủ số lượng.
“Nếu chúng tôi có thể lấy (nhiên liệu) từ bất kỳ nguồn nào khác, chúng tôi sẽ làm vậy. Nhưng chúng tôi có thể phải tìm đến nguồn cung từ Nga một lần nữa”, ông Wickremesinghe nói.
Thủ tướng Wickremesinghe nói thêm, Nga cũng cung cấp lúa mì cho Sri Lanka.
Kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu thô. Tuy nhiên, Nga đang rao bán dầu với mức chiết khấu hấp dẫn trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng vọt.
Trước tình hình đó, Sri Lanka cùng một số quốc gia Nam Á khác vẫn giữ thái độ trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine.
Hiện số nợ nước ngoài của Sri Lanka đã lên tới 51 tỷ USD. Trong đó, chính quyền Colombo hoãn trả khoản nợ gần 7 tỷ USD đến hạn trong năm nay. Nợ quá nhiều khiến quốc gia này không còn kinh phí để nhập khẩu những mặt hàng cơ bản. Vì vậy, người dân đang thiếu thốn nhiều loại nhu yếu phẩm như: thức ăn, nhiên liệu, thuốc men, thậm chí cả giấy vệ sinh và diêm.
Sri Lanka đang liên hệ với nhiều quốc gia để kêu gọi giúp đỡ và yêu cầu hỗ trợ tài chính từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).
Ông Wickremesinghe thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka là do quốc gia này “tự gây ra”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine góp phần khiến tình hình nghiêm trọng hơn: Khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào hỗn loạn và làm tăng giá nhiên liệu cùng thực phẩm lên mức “không thể chi trả được”.
“Cuộc khủng hoảng Ukraine đã ảnh hưởng đến sự... suy thoái kinh tế của chúng tôi. Tôi cho rằng tác động sẽ lan tới các quốc gia khác vào cuối năm nay”, ông Wickremesinghe cảnh báo.
Tại Sri Lanka, giá rau đã tăng gấp 3 lần trong khi hoạt động trồng lúa giảm khoảng ⅓. Tình trạng thiếu hụt lương thực ảnh hưởng đến cả người nghèo và tầng lớp trung lưu, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng.
Bình luận