Bùng dịch ở 58 tỉnh/thành phố
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến 25/5, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố; 3 người chết vì bệnh này ở Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.
Trong những tuần gần đây, số mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, TP.HCM.
Tại Hà Nội, Sở Y tế cho biết, tính tới 24/5, thành phố ghi nhận 137 ca sốt xuất huyết, không có trường hợp thiệt mạng.
Đáng chú ý, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phân bố tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường, trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển. Đặc biệt, một số ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh như xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)…
Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay giảm 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên bước vào mùa cao điểm của dịch nên nguy cơ gia tăng trong thời gian tới rất cao.
Trong khi đó tại TP.HCM, đến 25/5 dịch bệnh có chiều hướng giảm, nhưng nhiều ổ dịch mới xuất hiện. Cụ thể, có 9 ổ dịch mới thuộc 9 phường/xã; 6/24 quận/huyện. Đặc biệt, trong tuần thứ 21, thành phố có tới 113 ca mắc sốt xuất huyết.
Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành y tế TP.HCM ghi nhận 6.893 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có ca bệnh nào thiệt mạng. Các quận 3, 6, 9, 11 của Bình Thạnh và Gò Vấp thời điểm ngày 25/5 ca bệnh có phần tăng nhẹ so với trước.
Tuyệt đối không chủ quan
Theo TS. BS Nguyễn Kim Thư – Trưởng khoa Virus, Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch sốt xuất huyết không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhưng nếu khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều như những ngày qua ở miền Bắc sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.
Thông thường, thời điểm tháng 6, 7 hàng năm sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết, nên người dân tuyệt đối không chủ quan.
BS Thư cho biết, vừa qua, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đều là thanh niên trẻ tuổi. Các bệnh nhân có biểu hiện điển hình như sốt cao liên tục, mắt sung huyết, tiểu cầu giảm... Đáng chú ý, 1 nam thanh niên sốt cao liên tục tới ngày thứ 5 mới đến khám.
"Như vậy rất nguy hiểm. Người dân cần hết sức cảnh giác. Ở giai đoạn hiện nay, nếu thấy trong người có dấu hiệu sốt cao liên tục thì cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc để kịp thời chữa trị, tránh diễn biến nặng”, BS Thư cảnh báo.
Sốt xuất huyết có tới 4 tuýp khác nhau, lại chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bị bệnh vẫn có thể mắc lại. Quá trình công tác, BS Thư từng gặp trường hợp mắc sốt xuất huyết tới 2 năm liên tiếp.
“Có người khăng khăng mình không bị sốt xuất huyết. Chỉ khi có kết quả khẳng định rõ dương tính với sốt xuất huyết anh này mới tá hỏa. Do đó, hơn ai hết, người dân cần hết sức cảnh giác, bởi sốt xuất huyết có thể bị nhiều lần, đặc biệt là lần 2 còn có thể nặng hơn lần 1”, BS Thư nhấn mạnh.
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 2775/BYT-DP về tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết gây ra.
Theo Bộ Y tế, thời tiết đang bắt đầu bước vào mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika phát triển. Để kịp thời chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh tình trạng người bệnh đến bệnh viện muộn, không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
Người dân nếu có bất kỳ triệu chứng như chảy máu, có các chấm hay đốm màu đỏ trên da, chảy máu mũi, lợi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo, nôn liên tục, đau bụng dữ dội, lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật, xanh tím, tay và chân lạnh ẩm, khó thở... cần tới bệnh viện gần nhất, vì đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết.
Video: Hà Nội xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát
Bình luận