Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận gần 700 người mắc sốt xuất huyết, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016. Số trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.
Cẩn trọng với các dấu hiệu sốt cao kéo dài, phát ban
Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vừa thông tin, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết, là một nữ sinh 19 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng. Bệnh nhân sốt đến ngày thứ 3, đau đầu, đi khám được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết, cho về nhà điều trị.
Sau đó, bệnh nhân đi ngoài phân lỏng, nói nhảm, huyết áp tụt. Tối 14/5, nữ sinh nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau khi vào viện 10 phút, bệnh nhân có biểu hiện ngừng tuần hoàn, được các bác sĩ cấp cứu tích cực nhưng không qua khỏi.
Có mặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi ghi nhận tình trạng bệnh nhân đến khám, nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết khá đông. Đa số khi tới khám bệnh nhân đều không nghĩ mình bị sốt xuất huyết. Bởi theo họ, nhà cửa luôn sạch sẽ, không gian thoáng mát, xung quanh khu nhà ở không có ai bị bệnh này thì không thể mắc sốt xuất huyết được.
Với những cơn sốt liên tiếp, họ nghĩ chỉ là sốt rét, cảm cúm xoàng nên chủ quan ở nhà tự ý mua thuốc điều trị. Tới khi sốt liên tục vài ngày không giảm, bệnh nặng thêm kèm hiện tượng xuất huyết ngoài da mới đến viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý khi mới nhiễm bệnh sốt xuất huyết, trong 2 ngày đầu bệnh nhân thường chỉ có dấu hiệu sốt cao, không khác gì sốt virus nên khó nhận biết. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ cần hạ sốt bằng paracetamol và bổ sung oresol tại nhà. Các ngày sau, tùy vào dấu hiệu cảnh báo mà bệnh nhân cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp.
Các bác sĩ cảnh báo, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm và diễn biến cấp tính, đặc biệt, có thể dẫn tới trụy tim mạch và tử vong nếu đến bệnh viện điều trị muộn hoặc tự ý điều trị không đúng. Vì thế, người dân khi có những biểu hiện bệnh không nên chủ quan, nhất là không nên tự mua thuốc về nhà điều trị, tự ý truyền dịch tại nhà.
Mắc rồi vẫn có thể mắc lại
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Hiện lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Cụ thể, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người.
Để phòng dịch sốt xuất huyết, bên cạnh việc thực hiện theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người dân khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà và tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Video: Ổ dịch sốt xuất huyết ít ai ngờ giữa lòng thủ đô
Bình luận