Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, hàng chục hộ dân vướng quy hoạch dự án ga Thủ Thiêm phần lớn nằm lọt thỏm dưới những tòa nhà cao tầng trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức). Họ sống chật vật trong những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, xung quanh cây cối um tùm, rác thải bủa vây khắp nơi.
Hiện tại, phần lớn diện tích quy hoạch ga Thủ Thiêm đã được quây tôn, rào chắn kỹ lưỡng. Tất cả đều là mặt bằng sạch, chủ yếu là đất trống, đầm lầy trồng sen và sẵn sàng khi dự án được triển khai.
Theo quan sát, vị trí quy hoạch dự án ga Thủ Thiêm rất đắc địa. Khu vực này thuận tiện về giao thông, nằm cạnh khu đô thị hiện đại và tiềm năng bậc nhất TP.HCM.
Bên cạnh đó, xung quanh dự án ga Thủ Thiêm đã hình thành nhiều dự án quy mô lớn như chung cư cao tầng, nút giao hiện đại nhất TP.HCM (nút giao An Phú), góp phần tạo nên diện mạo đô thị toàn diện cho khu vực.
Bà Ngẫm (53 tuổi, ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức) cho biết, từ khi địa phương quy hoạch dự án cũng là lúc gia đình bà sống tạm bợ đến tận bây giờ. Nhiều lúc vợ chồng bà Ngẫm muốn vay tiền ngân hàng để sửa nhà cửa nhưng lại do dự vì sợ đến khi dự án triển khai lại không được đền bù.
“Chúng tôi ở đây thiếu thốn, khổ cực trăm bể. Gọi là nhà cho sang chứ dựng tạm, ngăn vách bằng tôn, ngày nắng thì nóng như lò hơi, còn mưa thì nước tràn vào nhà. Người dân chúng tôi không còn mong chờ được chuyển đi nơi khác sống vì dự án treo đã hơ 10 năm”, bà Ngẫm nói.
Không riêng nhà cửa xuống cấp, đường sá ở đây cũng trở nên nham nhở dù khu vực quy hoạch nằm ngay đầu đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cùng nằm trong diện quy hoạch giống bà Ngẫm, ông Tiến (61 tuổi, ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức) cho biết, gia đình ông có 3 thế hệ đang sống trong căn nhà dựng tạm bằng tôn đã xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo lời kể của ông Tiến, gia đình ông cùng hàng chục hộ dân ở đây từng mong chờ từng ngày khi nghe thông tin quy hoạch dự án. Và rồi, bây giờ đã hơn 10 năm nhưng dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.
“Không đành lòng nhìn con cháu sống khổ, nên lúc còn sống vợ tôi cũng nhiều lần tìm cách rao bán nhà mới mong muốn được chuyển đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống nhưng cũng không chờ được ngày đó. Rao bán đất từ năm này qua năm khác vẫn không ai mua vì dính quy hoạch”, ông Tiến chia sẻ.
Trước đó, năm 2013, Chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án ga Thủ Thiêm là ga đầu mối bao gồm các tuyến: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - sân bay Long Thành; tuyến Metro số 2.
Đến ngày 16/10, Sở GTVT có văn bản gửi UBND TP.HCM góp ý về hồ sơ bổ sung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn thành phố.
Theo đó, đơn vị quản lý giao thông của TP.HCM thống nhất chọn hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi song song với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phía bên phải theo hướng đi từ TP.HCM đến Đồng Nai).
Sở GTVT TP.HCM thống nhất chọn ga Thủ Thiêm là ga đầu mối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại TP.HCM. Ga Thủ Thiêm cũng là ga trung chuyển hành khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, Sở GTVT đề nghị nghiên cứu thêm cấu trúc tuyến, đoạn qua địa bàn TP.HCM và cập nhật đầy đủ về quy mô, dạng thức, chi tiết kỹ thuật các nút giao thông lớn, quan trọng đã hoặc đang được xây dựng, hoặc đã được quy hoạch để bổ trí hợp lý các giải pháp giao nhau giữa đường bộ và đường sắt tránh những phát sinh, điều chỉnh ở giai đoạn tiếp theo.
Đối với quy mô nhà ga Thủ Thiêm, đề nghị Bộ GTVT sớm tổ chức thực hiện và hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 để thành phố có cơ sở quản lý quy hoạch và triển khai các dự án phát triển đô thị xung quanh nhà ga.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trường hợp chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Bộ GTVT dự kiến đấu thầu, lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2025-2026.
Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM vào năm 2027. Năm 2028-2029, khởi công dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam).
Mỗi năm, tuyến đường sắt cao tốc này sẽ phục vụ khoảng 106,8 triệu lượt hành khách (đối với tàu khách khu đoạn); Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận chuyển hàng hóa đáp ứng khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm (chưa bao gồm năng lực 18,5 triệu tấn/năm của tuyến đường sắt hiện hữu). Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Bình luận